Tăng lãi suất điều hành: Việt Nam có nhập cuộc muộn màng?

LÃI SUẤT Việt nAM
15:16 - 23/09/2022
Tăng lãi suất điều hành: Việt Nam có nhập cuộc muộn màng?
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, đồng USD ngày càng mạnh lên, hơn 40 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất ít nhất hai, ba lần từ đầu năm với mức tăng 2-3%.

Các ngân hàng trung ương hành động

Fed vừa quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất lên mức 3-3,25%, cao nhất kể từ năm 2008, nhằm quyết tâm hạ nhiệt lạm phát. Ngay sau hành động của Fed, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đồng loạt tăng lãi suất.

Theo hãng tin Reuters, sự điều chỉnh lãi suất hàng loạt này diễn ra trong bối cảnh thế giới bắt buộc phải thích nghi với việc lãi suất ở Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 15 năm - sự kiện khiến Fed phải mạnh tay cắt giảm lãi suất về 0 và tung ra chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ.

Lãi suất ở Mỹ và tỷ giá đồng USD vốn giữ vai trò là mốc tham chiếu cho lãi suất trên khắp thế giới và điều khiến giới quan sát trở nên "sốt sắng" hơn là việc Fed phát đi tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục kiên định lộ trình thắt chặt định lượng này cho đến khi đạt được "mức lãi suất cuối cùng" khoảng 4,6% vào năm 2023.

Đối với nhiều quốc gia, sự kiên định này của Fed đồng nghĩa với một cú sốc tài chính mới, và một cuộc định giá lại trên diện rộng đối với thị trường trái phiếu, cổ phiếu và các tài sản tài chính khác. Tỷ giá đồng USD tăng bền bỉ giúp giảm bớt áp lực lạm phát ở Mỹ, nhưng lại làm gia tăng chi phí nhập khẩu, thậm chí rủi ro tài chính đối với các quốc gia khác.

Đây có thể là một nguyên nhân khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới không thể tiếp tục "khoanh tay đứng nhìn".

Ngay trong ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% từ mức 1,75% lên 2,25%.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã công bố tăng lãi suất 0,75 điểm % lên 0,5%, chấm dứt một kỷ nguyên lãi suất âm ở châu Âu. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của Thụy Sĩ trong vòng 15 năm qua. Vào ngày 16/6, ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất lên -0,25%.

Thị trường cũng đang tin chắc rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB sẽ tăng lãi suất lần nữa vào ngày 23/10, và kỳ vọng vào các bước nhảy lãi suất cũng được đẩy lên cao hơn. ECB được cho là sẽ nâng lãi suất lên khoảng 3% trong năm tới, từ mức 0,75% hiện nay.

Phản ứng từ các thị trường ASEAN

Các quốc gia khu vực ASEAN cũng không nằm ngoài đợt sóng này. Ngày 22/9, Ngân hàng trung ương Indonesia tăng lãi suất chính sách từ 3,75% lên 4,25 %. Ngân hàng trung ương Indonesia tháng trước cũng phải tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần 4 năm để chống lại lạm phát gia tăng.

Trong khi đó Ngân hàng trung ương Philippines cũng thông báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 4,25%​. Quyết định tăng lãi suất của Philippines diễn ra khi đồng nội tệ của nước này chạm mức thấp nhất từ ​​trước đến nay so với đồng USD.

Tương tự, một động thái bất ngờ, kịp thời và nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi công bố tăng một loạt lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%; lãi suất không kỳ hạn tăng từ 0,2% lên 0,5%; lãi suất cho vay qua đêm và vay bù thiếu hụt tăng lên 6%. Mức lãi suất mới bắt đầu áp dụng từ hôm nay (23/9).

Bối cảnh mới và phản ứng chính sách đúng thời điểm của Việt Nam

Nhớ lại thời điểm đầu năm 2020, trước đại dịch Covid-19, lãi suất chính sách của Việt Nam là 6%, lãi suất Fed khi ấy rơi vào khoảng 2,25 - 2,5%.

Khi Covid-19 bùng nổ, Fed hạ lãi suất xuống 0%, Việt Nam giảm lãi suất chính sách từ 6% xuống 4%, chủ trương hỗ trợ nền kinh tế.

Sang đến đầu năm 2022, Fed bắt đầu tăng lãi suất, cho đến nay đã là 5 lần liên tiếp 0,25%; 0,5% và 3 lần 0,75%, đưa mặt bằng lãi suất cho vay qua đêm lên 3% - 3,25%, lập đỉnh kể từ năm 2008.

Đáng chú ý, do VND yếu hơn USD nên cần duy trì chênh lệch lãi suất ở mức độ phù hợp, không thể để ngang bằng hoặc biên độ hẹp. Theo đó, khi Fed đẩy lãi suất lên mức 3,25%, nếu lãi suất của VND vẫn để 4% thì biên độ chênh lệch lãi suất quá hẹp, kéo theo đó là rủi ro cho VND và gây áp lực khủng khiếp lên tỷ giá.

TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cũng đã từng phân tích trong diễn đàn kinh tế gần đây, theo ông lập luận, khi FED tăng lãi suất 0,75 điểm % trong cuộc họp tới đây và cuối năm nay sẽ đạt mức 4 – 4,25% mà NHNN vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4% là không ổn. NHNN nên tăng lãi suất để tạo ra ''swap point'' giữa đồng VND và USD, ông Phước khuyến nghị.

Thực tế, việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương thường nhằm ba mục tiêu chính: khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao. Bên cạnh đó, tăng lãi suất sẽ làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Ngoài ra, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên, hễ lãi suất tăng lên thì tỷ giá sẽ giảm xuống.

Câu chuyện ở Việt Nam có chút khác biệt, trong khi cả thế giới đang "căng mình" trong cuộc chống lạm phát, Việt Nam đã kiềm chế lạm phát tốt từ đầu năm đến nay, lạm phát 8 tháng đầu năm chỉ ở mức 2,58%, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm trong khoảng 4% hoàn toàn khả thi.

Tỷ giá hối đoái VND/USD được điều chỉnh theo hướng tiền đồng đã mất giá khoảng 3,62% so với đồng dollar. Tuy nhiên, đây vẫn là mức mất giá của đồng nội tệ thuộc hàng thấp trên thế giới nếu so sánh với sự trượt giá hàng chục phần trăm của những ngoại tệ mạnh như euro, yen, bảng Anh và tầm 6-8% của các đồng tiền khu vực Đông Nam Á hay 10% của Nhân dân tệ so với USD từ đầu năm đến nay.

Song, như đã nói ở trên, việc mốc tham chiếu lãi suất Fed tăng lên khiến chính sách điều hành của Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Động thái có phần bình tĩnh hơn các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đơn thuần là chủ trương thận trọng từ phía nhà điều hành.

Mặt khác, áp lực lạm phát của Việt Nam hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát, các chuyên gia dự báo, áp lực này đang tăng lên, cùng áp lực lạm phát từ thế giới phả hơi nóng vào nền kinh tế. Nếu không chủ động ngăn chặn và hoá giải áp lực lạm phát ngay lúc này, những biến động khó lường là có thể tiên liệu được.

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.