Ảnh: CTCP Phân bón Bình Điền |
Việc canh tác cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên đang ghi nhận nhiều hạn chế, khó khăn như tình trạng thâm canh cà phê quá mức, sử dụng phân vô cơ vượt khuyến cáo, sử dụng nước tưới chưa khoa học, gây lãng phí nước và xói mòn, rửa trôi đất... Điều này khiến đất trồng cà phê bị suy thoái nghiêm trọng, quá trình chua hóa đất diễn ra nhanh hơn.
Phát biểu tại hội nghị triển khai chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023 – 2025 do CTCP Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) tổ chức ngày 14/6, TS Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển (CTCP Phân bón Bình Điền) cho rằng, sản xuất cà phê tại khu vực cũng đang chịu ảnh hưởng bởi vấn đề biến đổi khí hậu như nhiệt động tăng, mưa phân bố không đều, hạn hán xuất hiện bất thường…
Riêng tình trạng hạn hán năm 2016 đã ảnh hưởng đến 116.400 ha cà phê, trong đó Đăk Lăk ảnh hưởng 56.100 ha, diện tích cà phê bị mất trắng là 6.900 ha.
“Do đó, chương trình lần này nhằm tìm ra những hạn chế và đề xuất gói kỹ thuật canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, phát triển được bộ sản phẩm phân bón mới phù hợp cho sản xuất cà phê (trồng thuần, trồng xen), hiệu quả kinh tế cao; có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính”
Để hỗ trợ tốt cho nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên, hội nghị tập trung vào việc chọn lựa địa điểm triển khai chương trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên" giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, chương trình được thực hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm trồng thuần cà phê và trồng xen với sầu riêng, hồ tiêu.
Trong quá trình thực hiện, chương trình sẽ thực hiện nhiều thí nghiệm chuyên sâu, điều tra thực tế trên 500 hộ canh tác cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, phân tích 200 mẫu đất ở các tầng canh tác cà phê trong vườn trồng thuần, trồng xen (xen sầu riêng, hồ tiêu), trong các vườn cây già cỗi, vườn cây kinh doanh sung sức… Từ đó, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến quá trình canh tác cà phê hiện tại và dự báo cho 3 năm tới, đến đất trồng cà phê cũng như tìm hiểu về hệ sinh học đất.
Theo TS Trương Hồng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, canh tác cà phê thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu trước hết cần thực hiện một số việc như tăng cường sử dụng giống mới, mua giống đúng nguồn gốc, trồng xen các loại cây khác và sử dụng phân bón cân đối, đầy đủ...
“Canh tác thông minh là hệ thống lại những kỹ thuật tiến bộ. Trước đây người nông dân đã áp dụng rồi, nhưng chưa hệ thống thành quy trình, giờ mình hệ thống thành quy trình và đưa vào canh tác”, ông Hồng nhận định.