Mùa nhãn 2022 được nhận định sẽ là một năm khó khăn đối với người sản xuất cũng như doanh nghiệp tiêu thụ nhãn tại tỉnh Hưng Yên. Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc điều hành CTCP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, năm nay xuất khẩu nhãn sang các thị trường đều giảm sút, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của Covid-19 và nhu cầu tiêu dùng của các nước xuất khẩu đều giảm.
Tại thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam, chính sách “Zero Covid” đã khiến lượng nhập khẩu giảm đi rất nhiều và ảnh hưởng đến tiêu thụ nhãn Hưng Yên. Trong khi đó, đối với các thị trường xa hơn, bên cạnh các tiêu chuẩn khắt khe thì chi phí logistics cũng đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp.
"Lạm phát tăng, vận chuyển tăng nhưng lợi nhuận giảm. Dịch bệnh đã ổn định nhưng phục hồi kinh tế tại các nước còn khó khăn, nên nhu cầu chi tiêu vẫn chưa thực sự tăng. Nếu giá sản phẩm quá cao sẽ khiến lượng tiêu thụ giảm. Cho nên không thể thay đổi nhiều so với trước"
Doanh nghiệp CTCP Toàn Cầu đã lựa chọn mở rộng thị trường xuất khẩu nhãn tươi, song song với việc nâng cao sản phẩm nhãn chế biến. Tuy nhiên, ông Hưng chia sẻ, để phát triển sản phẩm chế biến cũng không hề dễ dàng, nhất là khi việc cung ứng nguyên liệu đầu vào còn bấp bênh.
"Để thúc đẩy tăng sản lượng đầu ra thì nguyên liệu đầu vào là một trong những yếu tố quan trọng. Ví dụ như trong một loin sản phẩm chế biến thì kích thước cùi nhãn phải đảm bảo yếu tố đồng đều. Nhưng hiện nay nhiều địa phương tại Hưng Yên còn phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, chưa mang tính tập trung cao. Từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm đầu ra khác nhau", ông Hưng cho biết.
Tình trạng trên đã khiến việc phát triển tập trung theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt của nhiều địa phương còn hạn chế. Trong khi đó, yêu cầu về các tiêu chuẩn này tại các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, châu Âu... lại đòi hỏi rất cao.
Thay đổi tư duy để thương hiệu nhãn Hưng Yên phát triển bền vững
Đồng quan điểm, ông Đỗ Đình Hưng – Giám đốc công ty TNHH Thương mại Agri Việt Hưng cho rằng, người nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, chú trọng chất lượng, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ông Hưng cho rằng, nông dân cần đẩy mạnh việc cải tạo, thay thế các vườn nhãn kém chất lượng bằng các giống nhãn có chất lượng tốt hơn như T2, T6... để tiếp cận với phân khúc khách hàng cao hơn.
Phía người nông dân cũng cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ để đầu ra có tính bền vững hơn; đồng thời cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng và giữ gìn thương hiệu "nhãn lồng Hưng Yên, hương vị tiến vua" mà không phải nơi nào cũng có.
Thay đổi phương thức sản xuất không dễ
Tuy nhiên, phía người sản xuất lại cho biết việc xây dựng mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp vẫn chưa thực sự được chặt chẽ.
Đại diện hợp tác xã Nhãn Miền Thiết (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Văn Thế cho biết, hiện hợp tác xã vẫn đang tìm đầu ra theo hướng mời chào doanh nghiệp, từ đó mới quyết định thị trường cho sản phẩm nhãn (siêu thị, xuất khẩu…)
Ngoài ra, doanh nghiệp và hợp tác xã còn gặp vướng mắc về giá cả, quy trình sản xuất đóng gói sản phẩm. Ông Thế cho rằng, thực tế người sản xuất đang ở thế bị động khi doanh nghiệp có nhiều lựa chọn cho nguồn nguyên liệu, còn người nông dân thì không có nhiều lựa chọn về tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Để đẩy tính chủ động hơn trong vấn đề tiêu thụ thời gian tới, hợp tác xã Miền Thiết đang hướng phát triển nhãn theo tiêu chuẩn cao hơn như Global GAP. Hiện hợp tác xã có 270 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP trên tổng số 315 ha sản xuất nhãn.
Tuy nhiên, ông Thế cũng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và tìm đường vào các thị trường cao cấp. Nguyên nhân là dù sở hữu tiêu chuẩn GlobalGAP thì sản phẩm nhãn còn phải trải qua nhiều khâu thẩm định khác.
Điều này khiến người sản xuất nản chí khi giữa một bên “đơn giản mà bán được hàng nhanh” và một bên “làm thật tốt để rồi hàng bán chậm”.
Cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền
Đứng trước những khó khăn đang gặp phải, với tư cách là phía sản xuất, ông Nguyễn Văn Thế cho rằng, phía chính quyền địa phương cần hỗ trợ người nông dân bằng cách phát triển nông nghiệp trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, phát triển cơ sở kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi…
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch như nhà sơ chế, nhà lạnh, kho lạnh, máy sấy...
Về xúc tiến thương mại, địa phương cần tăng cường công tác kết nối giao thương giữa các trung tâm tiêu thụ lớn ở trong nước. Từ đó tiến tới đưa sản phẩm nhãn và các nông sản khác ra tiêu thụ ở các nước trong khu vực và một số thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Ngoài ra, địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, triển khai các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ đưa quả nhãn tươi vào các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như Metro, coopmart, BigC, Aeon…
Cuối cùng, hướng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, vừa quảng bá trực tiếp sản phẩm nông nghiệp đến du khách vừa tăng nguồn thu.