Thị trường chứng khoán ảm đạm nhưng nhiều sóng ngầm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
18:07 - 16/03/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index hôm nay tiếp tục có một phiên hồi phục khi lấy lại hơn 6 điểm về mốc 1.459,33. Nhìn chung trong bối cảnh dòng tiền ảm đạm, nhưng nhiều nhóm vẫn tạo sóng như "họ" FLC, "họ Louis", các mã liên quan đến Nhựa Đồng Nai…

Bên cạnh VN-Index, HNX-Index và UPCoM cũng đều kết phiên trong sắc xanh với mức tăng lần lượt là 2,6 điểm và 0,5 điểm. Tuy nhiên thanh khoản trên 3 sàn chỉ đạt 22.260 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình. Chỉ số các sàn thay đổi không nhiều cùng thanh khoản thấp cho thấy giao dịch diễn ra cầm chừng; theo đó các mức biến động cổ phiếu xét theo tổng thể từng ngành cũng không lớn.

Ngân hàng là trụ lực chính cho thị trường trong phiên hôm nay, với sự đóng góp nổi bật từ mức tăng 1,7 của mã vốn hóa lớn nhất là VCB. Từ phiên 25/1 đến nay, VCB liên tục lao dốc khiến vốn hóa bốc hơi hơn 50.000 tỷ đồng, từ mức giá 96.000 đồng/cp xuống còn 82.500 đồng trong phiên hôm nay.

Ngoài VCB, đa phần các mã bank khác cũng ở chiều tăng như PGB +2%, VIB +1,8%, MBB +1,6%, OCB +1,2%, BVB +1%... Đáng chú ý vẫn là KLB của KienlongBank với tỷ lệ tăng 3,4%. Vào lúc 14h xuất hiện khối giao dịch thỏa thuận trị giá gần 1.052 tỷ đồng (tương ứng gần 47 triệu cổ phiếu) liên quan đến mã ngân hàng này; giá sang tay là 22.400 đồng/cp.

Giao dịch tương tự xảy ra ở các nhóm chứng khoán, bất động sản, xây dựng, thuỷ sản, bán lẻ, vật liệu xây dựng, dầu khí… với tỷ lệ tăng toàn nhóm ở mức nhẹ. Ngược lại, 3 nhóm mất điểm là khai khoáng, nông nghiệp và vận tải – kho bãi nhưng tỷ lệ chênh lệch cũng chỉ trên dưới 1%.

Khối ngoại tiếp tục một phiên bán ròng. SSI

Khối ngoại tiếp tục một phiên bán ròng. SSI

Dù giao dịch ảm đạm nhưng thị trường không vì thế mà thiếu đi những con sóng. Đáng chú ý là sự hồi phục của họ FLC, họ Louis và mức tăng nóng của nhóm cổ phiếu liên quan đến Nhựa Đồng Nai (mã DNP). Cụ thể, FLC chỉ có GAP ở chiều giảm -0,1%. AMD, KLF tăng gần 5% trong khi FLC tăng 2%, ROS tăng 2,9%... Còn họ Louis có SMT và TGG tăng trần, BII tăng 8,6%, VKC tăng 4,6% còn AGM giảm sàn.

DNP của Nhựa Đồng Nai hôm nay khoe sắc tím, JCV (CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật), VC9 (Công ty Cổ phần Xây dựng số 9), NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay) cũng tương tự trong khi HUT (CTCP Tasco) tăng 5,2%. Đây đều là các doanh nghiệp được nhóm lãnh đạo DNP thâu tóm thời gian qua.

Một trường hợp đáng chú ý khác là FRT của FPT Retail. Hôm nay, cổ phiếu này đã vượt đỉnh lịch sử, tăng kịch trần lên 136.400 đồng/cp; trong bối cảnh FPT Retail vừa trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng; lần lượt tăng 20% và 30% so với năm 2021. Doanh nghiệp sẽ trình cổ đông phương án cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp). Hiện, vốn hoá của FRT trên sàn đã đạt gần 11.000 tỷ đồng, sau đà tăng liên tục kéo dài từ cuối tháng 1/2022.

Nhìn chung phiên giao dịch hôm nay cho thấy sự thận trong của nhà đầu tư do phiên ngày mai (17/3) là phiên đáo hạn phái sinh, thường sẽ có biến động khó lường; đồng thời chuẩn bị đón nhận thông tin về kết quả cuộc họp FED về việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, quan sát diễn biến thị trường trong thời gian qua thì đây chưa hẳn là lý do chính. Bởi trong xu hướng giảm từ vùng 1.510 điểm, các phiên giảm có thanh khoản mạnh, còn các phiên tăng có thanh khoản thấp.

Với phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, VN-Index đã trở lại vào trong dải bolliger, nhưng thanh khoản thấp chưa cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, khả năng vẫn chỉ là phiên hồi kỹ thuật trong xu hướng giảm của thị trường. Với tín hiệu mẫu hình vai đầu vai khi kết phiên chiều nay, mục tiêu tiếp theo của VN-Index có thể là vùng 1.360 điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.