Thị trường chứng khoán thời kỳ loạn lạc

CHỨNG KHOÁN THẾ GIỚI
14:48 - 09/03/2022
Thị trường chứng khoán thời kỳ loạn lạc
0:00 / 0:00
0:00
UBS Global Wealth Management mới đây đã hạ triển vọng chứng khoán toàn cầu xuống mức trung lập, với quan điểm xung đột giữa Nga - Ukraine cùng lạm phát đã mở rộng mức biến động và rủi ro của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Bất ổn chiến tranh tạo áp lực lên thị trường chứng khoán

Lịch sử cho thấy, các cuộc chiến trong quá khứ không khiến thị trường chứng khoán rơi vào xu hướng giảm trong dài hạn. Thậm chí, thị trường có thể gặp khó khăn ngắn hạn nhưng tốt trong dài hạn.

John Lynch, Giám đốc chiến lược đầu tư của LPL Financial, cho biết: “Dù sự leo thang chiến tranh có nghiêm trọng như thế nào đi nữa thì kinh nghiệm đã chỉ ra rằng nó khó có thể tác động đáng kể đến các yếu tố cơ bản của nền kinh tế hoặc lợi nhuận của công ty".

Ben Carlson, Giám đốc Quản lý Tài sản Định chế tại Ritholtz Wealth Management, cũng từng nhận định: "Từ khi bắt đầu Thế chiến thứ hai năm 1939 cho đến khi kết thúc vào cuối năm 1945, chỉ số Dow Jones tăng tổng cộng 50%, hơn 7% mỗi năm. Trong hai cuộc chiến tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng tổng cộng 115%".

Tuy nhiên, nhìn vào cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine ngày càng trở nên căng thẳng lần này, rõ ràng, thị trường chứng khoán thế giới đang chịu sức ép nặng nề.

Thị trường chứng khoán Châu Âu, kể từ khi xung đột nổ ra, chỉ số chứng khoán đại diện cho ngành ngân hàng của châu Âu (SX7E) đã lao dốc gần 16% chỉ trong 1 tuần. Giới phân tích đánh giá, đợt sụt giảm này chỉ tệ thứ hai sau đợt sụt giảm vào tháng 3/2020, khi mà chỉ số này giảm gần 20% do dịch bệnh

Chỉ số Nasdaq đã giảm tổng cộng 20,1% so với mức cao kỷ lục vào ngày 19/11/2021. Đây là lần đầu tiên Nasdaq rơi vào tình trạng này kể từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Châu Á, kết thúc phiên 8/3, MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã giảm khoảng 10% và 20% từ đỉnh, so với mức giảm 9% của chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ và mức giảm gần 14% của chỉ số Stoxx Europe 600 của chứng khoán châu Âu. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong trượt xuống mức thấp nhất khoảng 6 năm.

VN-INDEX liên tục trồi sụt

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index kết thúc giao dịch tuần trước ở ngưỡng 1505.33, tăng 6,44 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 10,42 điểm, lên 450.59. Tuy nhiên, ngay thứ ba đầu tuần này, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ khi áp lực bán diễn ra mạnh mẽ, VN-Index lùi sâu về ngưỡng điểm thấp nhất phiên, "đánh rơi" hơn 25 điểm về sát ngưỡng 1.470. Với mức giảm mạnh này, vốn hóa sàn HOSE đã "bốc hơi" 100.159 tỷ đồng chỉ sau 1 phiên giao dịch.

Nguyên nhân đến từ việc căng thẳng địa chính trị gia tăng, những động thái trừng phạt đối với Nga khiến giá hàng hóa, năng lượng tăng vọt, gây áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư, dẫn đến áp lực bán tháo mạnh.

Lạm phát tăng chưa bao giờ là điều dễ chịu cho thị trường chứng khoán

Lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới thanh khoản thị trường cũng như triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Chia sẻ mới đây của ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCT Chứng khoán MB (MBS) khẳng định, áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 chắc chắn sẽ cao hơn năm 2021.

Cụ thể, ông Tuấn cho rằng việc mở cửa lại nền kinh tế cộng thêm gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng chuẩn bị triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới sẽ khiến tổng cầu tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung chưa thể quay lại một cách nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid vẫn gây ra những đứt gãy của nguồn cung ứng trên toàn cầu. Do đó, áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ có xu hướng cao hơn trong năm 2022.

“Chúng tôi đánh giá lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 dự kiến ở mức 3,5% đến 4%. Tuy nhiên, căng thẳng ở Nga và Ukraine vẫn là yếu tố chưa thể lường trước được”, vị chuyên gia của MBS nói.

Theo ông Tuấn, khi áp lực lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương buộc phải sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất huy động. Khi đó, dòng tiền từ thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán sẽ chuyển sang kênh tiền gửi tiết kiệm.

Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng còn tạo sức ép đáng kể tới chi phí của các doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí nhân công, chi phí lãi suất và chi phí đầu vào đối với một số doanh nghiệp. Điều này sẽ tác động đến triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Kết hợp cả hai yếu tố, lạm phát tăng chưa bao giờ là điều dễ chịu cho thị trường chứng khoán”, ông Tuấn đánh giá.

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Trong bài viết mới đây, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ, đây là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, có lẽ có một không hai trong lịch sử nhân loại. Chỉ mới chưa đầy 2 năm trước, dầu "cho không ai thèm lấy", giá có thời khắc xuống âm (- 42 $). Thế mà hôm nay giá đã vượt vọt lên 100 $/thùng. Những tưởng cảnh nạn chiến tranh bằng súng đạn, bằng quân đội cả trăm ngàn quân không còn xảy ra ở thế kỷ 21 nữa, vậy mà những trận đánh "xáp lá cà" như trong game đang xảy ra hôm nay. Rõ ràng, gọi thời này là thời loạn lạc cũng không quá đáng.

Năm 2022 là năm khó khăn cho thị trường chung. Nhiều cổ phiếu đã từng được mệnh danh là cơ bản, là an toàn sẽ cần phải được xem xét lại. Bên cạnh đó, vẫn có những dòng cổ phiếu sẽ đi ngược xu hướng chung, sẽ phân hóa và mang lại thành công rực rỡ.

"Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" - câu nói này thực sự rất có ích cho nhà đầu tư vào lúc này. Hãy bình thản đón nhận những đợt rung lắc dữ dội có thể xảy đến, chuyên gia chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.