Thị trường thịt thực vật sẽ vươn lên chiếm 10% thị trường tiêu dùng toàn cầu vào năm 2025. |
Thông tin về thị trường thịt thực vật thế giới và Việt Nam tại hội thảo “Giải pháp công nghệ trong sản xuất thịt thực vật”, cuối tuần qua, TS. Aparna Venkatesh, Giám đốc Phát triển Công nghệ khu vực Đông Nam Á – Tập đoàn Bühler cho biết, 10 năm trước thịt thực vật đã xuất hiện trên thế giới và đang chiếm từ 1% đến 3% thị phần thực phẩm tiêu dùng trên toàn cầu, dự báo, thị trường thịt thực vật sẽ vươn lên chiếm 10% vào năm 2025.
Năm 2020, thương mại thịt thực vật toàn cầu chỉ đạt 3,1 tỷ USD, vào năm 2021 đã tăng lên 61,29% và đạt 5 tỷ USD, trong đó, Châu Á -Thái Bình Dương (APAC) đạt 162 triệu USD vào năm 2021 đạt 312 triệu USD, tăng 92,59%. Đây là một mức tăng trưởng ấn tượng.
Riêng tại châu Á, TS. Aparna Venkatesh đánh giá, việc tiêu thụ thịt thực vật vẫn còn khiêm tốn so với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thế giới, và chỉ chiếm khoảng 5% so với các loại thịt khác nhưng có xu hướng phát triển tốt.
Tuy nhiên, châu Á là khu vực sản xuất nông nghiệp nên nguồn nguyên liệu sản xuất thịt thực vật rất đa dạng và phong phú, vì vậy sắp tới châu Á sẽ là một thị trường rất sôi động trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, thị trường thịt thực vật cũng phát triển vượt bậc trong vài năm gần đây. Cuối năm 2020, thị trường Việt Nam đã đạt 249 triệu USD, với 70% là các sản phẩm có nguồn gốc đậu nành. Nhu cầu thị trường ngày càng tăng mạnh do người Việt ngày càng chú trọng đến sức khỏe, và một phần từ văn hóa ăn chay đã có từ lâu đời.
Giai đoạn 2021 - 2025, dự báo thị trường thịt thực vật ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng 11,85%/năm, và sẽ đạt mốc 500 triệu USD vào cuối năm 2025.
Theo báo cáo của Bühler, thị trường thịt thực vật có tiềm năng rất lớn để chiếm thị phần tốt hơn tại châu Á cũng như Việt Nam, và ngày càng trở nên rất hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các startup, các nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu và thậm chí các công ty sản xuất thịt động vật cũng tham gia.
Thị trường thịt thực vật tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, do nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ mỡ động vật, thịt đỏ nên có ý thức ăn lành mạnh hơn, cùng với suy nghĩ giảm bớt sát sinh khi giết mổ động vật. Ngoài ra, chăn nuôi quá nhiều cũng là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường...
Việt Nam là nước nông nghiệp và thuộc khối ASEAN nên có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú của các nước trong khối để được hưởng về ưu đãi thuế quan.
“Hiện nay thực phẩm chay thông thường tại Việt Nam vẫn có giá bán tương đối cao hơn so với những sản phẩm thịt cá người tiêu dùng thường sử dụng, và người ăn chay hay theo trường phái ăn sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thực vật sẽ không ngại chi tiền nhiều hơn một chút để tìm được nguồn thực phẩm vừa ý”.
Đối với sản xuất thịt thực vật nguồn nguyên liệu chiếm giá thành cao nhất, nếu giá đầu vào giảm thì giá thành sản phẩm cũng giảm theo, và đồng thời khuyến khích được những công ty start-up tận dụng những công nghệ mới trong các quá trình sản xuất.
“Tại Việt Nam, Bühler sẽ cùng với đối tác chiến lược nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp với người Việt Nam. Bühler là nhà sản xuất thiết bị cũng là công ty cung cấp các giải pháp công nghệ, chúng tôi sẽ làm việc cùng đối tác như Givaudan - công ty chuyên cung cấp các hương liệu sản xuất để cho ra loại thịt thực vật có hương vị, mùi vị đặc trưng cho từng vùng, miền ở Việt Nam”, TS. Aparna Venkatesh nhấn mạnh.
Việt Nam đang theo xu hướng toàn cầu
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất thịt thực vật, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit nhìn nhận, trong nước, một số công ty đã bắt tay sản xuất sản phẩm theo xu hướng dựa trên thực vật. Vinamit cũng tham gia sản xuất “xanh” từ lâu với thịt mít non Vegan. Đại dịch Covid-19 khiến người ta quan tâm đến xu hướng tiêu dùng xanh, nông nghiệp hữu cơ hơn vì mục đích cuối cùng cũng là sức khỏe.
“Xu hướng tiêu dùng xanh đã diễn ra ở Mỹ, châu Âu và sẽ lan đến Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp cần định hướng đường đi, đón đầu cơ hội. Thực tế cho thấy một số doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh sang phát triển sản phẩm thịt thay thế từ thực vật. Không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ, mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường”.