Vốn đầu tư của Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng mạnh so với cùng kỳ do có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,07 tỷ USD của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam. |
Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn thực hiện đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Về địa bàn đầu tư, các nhà FDI đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,58 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3,1 lần cùng kỳ.
Cụ thể, nếu trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký của Bắc Ninh đạt hơn 1 tỷ USD, thì sang đến tháng 6, tổng vốn FDI đăng ký đã vượt lên hơn 2,5 tỷ USD. Nguyên nhân lượng vốn FDI của Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng mạnh so với cùng kỳ do có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,07 tỷ USD từ dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh cấp mới 244 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,102 tỷ USD. Con số này tăng gấp 2 lần về số dự án và tăng 1,9 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng điều chỉnh vốn 87 dự án với tổng số vốn điều chỉnh tăng 1,526 tỷ USD.
Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.347 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 27,67 tỷ USD.
Tiền đề cho thu hút FDI là kinh tế của địa phương cũng nhiều khởi sắc trong 6 tháng đầu năm. Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 2/2024 của tỉnh đạt 8,06%, đã kéo tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,32% so với cùng kỳ.
Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,35%; khu vực dịch vụ tăng 5,62%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%; thuế sản phẩm tăng 0,88%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp - xây dựng chiếm 68,9%; dịch vụ chiếm 23,6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,9%.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,5%; hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra sôi nổi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước gần 50.000 tỷ đồng, tăng 8,4%. Thu chi ngân sách Nhà nước được bảo đảm, nguồn lực được khơi thông, ước thu ngân sách Nhà nước đạt 17.688 tỷ, đạt 56,6% dự toán, tăng 19,5%.
Đứng thứ hai là Bà Rịa - Vũng Tàu với gần 1,54 tỷ USD FDI đầu tư vào địa phương này trong 6 tháng đầu năm, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 30 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1.662,24 triệu USD, đạt 83,1% kế hoạch năm 2024, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 19 dự án FDI đăng ký mới, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.528 triệu USD, tăng gấp 42 lần so với cùng kỳ; 11 dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 134,24 triệu USD, bằng 78,9% so với cùng kỳ; điều chỉnh giảm vốn 01 dự án với vốn đăng ký điều chỉnh giảm 0,93 triệu USD.
Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 476 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 33.209,14 triệu USD. Trong đó, có 303 dự án trong khu công nghiệp và 173 dự án ngoài khu công nghiệp.
Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến tăng trưởng GRDP (trừ dầu khí) có thể đạt tốc độ tăng trên 8% trong 6 tháng cuối năm và có khả năng cao sẽ đạt từ 8,1% - 8,5% cả năm 2024. Điều này phản ánh nỗ lực và kế hoạch rõ ràng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Quảng Ninh đứng thứ ba khi 6 tháng đầu năm thu hút tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,36 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư cả nước.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu hút mới 22 dự án, đây hầu hết đều là những dự án đầu tư FDI thế hệ mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, ít thâm hụt tài nguyên, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế của tỉnh.
Có thể kể đến các dự án như: Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Texhong Hải Hà, huyện Hải Hà do Công ty Gokin Solar (Hong Kông - Trung Quốc) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư là 274,8 triệu USD. Dự án sẽ hoàn thành các hạng mục đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động trong tháng 10/2025.
Hay như Dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại KCN Sông Khoai (Amata), thị xã Quảng Yên do Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có công suất thiết kế 930 tấn sản phẩm/năm; tổng mức đầu tư 57 triệu USD. Dự kiến tháng 1/2026, giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động…
Thứ hạng tiếp theo trong danh sách dẫn đầu về thu hút FDI 6 tháng đầu năm là Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM với số vốn lần lượt 1,17 tỷ USD; 1,12 tỷ USD và 1,1 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,… như Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã 79,5% số dự án mới và 77,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.