Chiều 12/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo và giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn.
Nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng nhanh
Liên quan đến vấn đề cung ứng điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện..
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối; chỉ đạo hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII.
Dự báo nhu cầu điện sẽ tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Để đáp ứng điều này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao. Tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện; đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.
Về dài hạn, Thủ tướng cho biết: "Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi; trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện”.
"Tăng tốc, bứt phá" chuyển đổi số
Về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, xanh, bền vững. Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số và triển khai hiệu quả Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở.
Ông nhận xét, chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người” và tiến bộ vượt bậc. Thương mại điện tử của Việt Nam phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Toàn cảnh phiên họp chiều nay của Quốc hội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng một số chính sách về chuyển đổi số chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; cải cách hành chính còn chậm; thủ tục còn rườm rà, ách tắc; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét.
Chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu”. Nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu. Thủ tướng chỉ ra rằng, mặc dù Chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194, nhưng an toàn thông tin, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, rủi ro.
Nguyên nhân chủ yếu được Thủ tướng nhìn nhận là do nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là người đứng đầu còn thiếu quyết liệt, sâu sát; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, thiếu công cụ theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, xử lý các mặt tiêu cực...
Thời gian tới, với phương châm “tăng tốc, bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp vào chuyển đổi số. Trong đó, hoàn thiện hành lang pháp lý số (như Luật Dữ liệu, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân); đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, Internet vạn vật...
Thủ tướng cũng nêu giải pháp xây dựng trung tâm công nghiệp kỹ thuật số, dữ liệu lớn, ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Huy động nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn. Phát triển nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”.
Chi ngân sách cho đào tạo nhân lực chất lượng cao
Về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng nhìn nhận việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong xây dựng chính sách, kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 56/100. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 4 bậc so với năm 2022). Hà Nội và TP.HCM lọt vào nhóm 200 thành phố đứng đầu về khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao còn chưa đạt mục tiêu đề ra. Thể chế, cơ chế, chính sách chưa có đột phá; đầu tư cho khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa thực sự hiệu quả; sự gắn kết giữa các chủ thể, nhất là Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Khoảng cách lớn về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; hạn chế về nguồn lực, trình độ và năng lực cạnh tranh về khoa học công nghệ.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng khoa học công nghệ, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là nền tảng.
Chính phủ sẽ đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức...
“Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công - tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trước Quốc hội.