Thủ tướng xem Bản đồ hướng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: VGP |
Ngày 15/1, trong chương trình công tác tại Nam Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã nghe báo cáo về quy hoạch phát triển, khảo sát thực địa một số dự án hạ tầng giao thông tại tỉnh này, thúc đẩy tiến độ triển khai tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Thủ tướng lưu ý phương án tài chính dự án cần tính toán lưu lượng xe không phải dựa trên số liệu hiện nay mà trên cơ sở kịch bản phát triển sau khi có tuyến đường. Ảnh: VGP |
Nhấn mạnh đây là tuyến đường quan trọng chiến lược Thủ tướng yêu cầu Nam Định phải tập trung nguồn lực của tỉnh, của Trung ương, của doanh nghiệp để đầu tư trọng tâm, trọng điểm, sớm xây dựng, hoàn thành tuyến đường, giúp các địa phương trong vùng có thêm động lực, không gian phát triển mới.
Thủ tướng cho rằng Nam Định từng là địa phương phát triển nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng nhưng hiện nay đang phát triển chậm lại so với nhiều địa phương khác do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu đường cao tốc kết nối nên khi tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo động lực để các nhà đầu tư chiến lược tiếp tục đầu tư các công trình, dự án hạ tầng quan trọng khác như cảng biển.
Các địa phương liên quan, Bộ Giao thông Vận tải phải khẩn trương tiếp tục triển khai dự án. "Các cơ quan báo cáo đã làm việc tích cực nhưng quan trọng là phải ra hồ sơ, ra dự án cụ thể", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý phương thức đầu tư theo hợp tác công tư (PPP) phải đúng quy định của pháp luật, đồng thời rút kinh nghiệm từ một số dự án PPP trước đây để quy hoạch, xây dựng tuyến đường này với tốc độ tối đa khoảng 120 km/h.
Đặc biệt, phương án tài chính dự án cần tính toán lưu lượng xe không phải dựa trên số liệu hiện nay mà trên cơ sở kịch bản phát triển sau khi có tuyến đường, "tránh chưa làm đường đã đếm xe, chưa làm sân bay đã đếm khách", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đặt vấn đề: Nếu lưu lượng xe chỉ tăng khoảng 12% mỗi năm sau khi có đường thì có cần thiết phải đầu tư một khoản kinh phí lớn như vậy để làm đường mới không, có hiệu quả không hay chỉ cần mở rộng đường cũ? Nếu lưu lượng xe chỉ tăng khoảng 12%, trong khi suất đầu tư cao, tốc độ lại thấp thì thời gian thu phí sẽ kéo dài, phí cao, người dân không đồng ý, không hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, dự án sẽ rất khó khả thi. Thực tiễn nhiều dự án BOT trước đây đã cho thấy điều này. Mặt khác, nếu tuyến đường chỉ thiết kế 80 km/h thì sau khi xây dựng xong sẽ sớm quá tải, phải đầu tư mở rộng ngay.
Cùng ngày, Thủ tướng cũng thị sát công trường thi công cầu qua sông Đào (phường Trần Quang Khải, TP. Nam Định), Thủ tướng đánh giá cao việc tỉnh triển khai xây dựng công trình này; đề nghị tỉnh đã có quyết tâm thì phải làm nhanh, không để kéo dài, đội vốn, bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình.
Cầu qua sông Đào là cây cầu dây văng đầu tiên của thành phố Nam Định, có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, kết nối trực tiếp với tuyến đường trục phía nam thành phố Nam Định và nối liên thông với tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Đây được coi là dự án trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và thành phố Nam Định nói riêng.