Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Anh Thư |
Nguyên nhân của sự sụt giảm này có thể đến từ việc trong tháng 1 có 2 dịp lễ là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, khiến số ngày làm việc của tháng này giảm 1/3 so với các tháng khác và so với tháng 1/2022 (vì Tết Nguyên đán năm 2022 diễn ra vào đầu tháng 2).
Trong tháng 1, Việt Nam đã xuất khẩu gần 3,9 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, giảm nhẹ 30 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong số này có 12 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 50 triệu USD, bao gồm 8 mặt hàng trên 100 triệu USD.
Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam chủ yếu là hàng công nghiệp, dệt may, giày dép, và các mặt hàng rau quả như điện thoại các loại và linh kiện (1,7 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (499 triệu USD), cao su (142 triệu USD), hàng rau quả (139 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (133 triệu USD), giày dép các loại (127 triệu USD)…
Các mặt hàng này đa phần đều ghi nhận sự giảm sút rõ ràng so với cùng kỳ, đặc biệt là các sản phẩm may mặc như sợi dệt các loại, hàng dệt may và mặt hàng cao su với mức giảm lần lượt là -59%, -51%, -42%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 7,2 tỷ USD hàng hóa, giảm 35%. Có 13 mặt hàng nhập khẩu trên 100 triệu USD, bao gồm 4 mặt hàng trên 500 triệu USD.
Trong đó có thể kể đến như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,5 tỷ USD), máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác (1,4 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện (702 triệu USD), vải các loại (610 triệu USD), sản phẩm từ chất dẻo (284 triệu USD), sản phẩm hóa chất (240 triệu USD) sản phẩm từ sắt thép (235 triệu USD)…
Như vậy, tính chung, trong tháng 1, Việt Nam đã nhập siêu gần 3,3 tỷ USD, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu phục vụ công nghiệp, sản xuất. Tuy nhiên, các mặt hàng đều chứng kiến mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ, mức giảm sâu nhất thuộc về mặt hàng chất dẻo nguyên liệu và sắt thép các loại, giảm lần lượt 49% và 48%.
Trước đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 175,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 117,9 tỷ USD.
Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đang có tính bổ sung lẫn nhau rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...
Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt đây là thị trường xuất khẩu hoa quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,4%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Từ ngày 8/1, Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới với Việt Nam, điều này đã giúp tình hình thương mại giữa hai nước sôi động trở lại.
Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định theo Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc về yêu cầu Trung Quốc đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường này phải tuân thủ.
Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản.
Bộ cũng đã triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhằm phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bền vững.