Top cổ phiếu được khối ngoại và tự doanh mua ròng trong tháng 6

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
15:50 - 01/07/2022
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tích cực trong quý 2/2022. Ảnh minh họa
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tích cực trong quý 2/2022. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc tháng 6, VN-Index đạt 1.197,6 điểm, giảm 7,4% so với đầu tháng. Điểm sáng là hoạt động mua ròng của nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và khối tự doanh công ty chứng khoán.

Tháng 6 vừa qua là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam. Lũy kế từ đầu năm, VN-Index mất 20,1% điểm số, đưa Việt Nam lọt nhóm những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới. HNX-Index còn tiêu cực hơn khi mất 12,1% trong tháng 6, giảm đến 41,4% so với thời điểm đầu năm.

Mặc dù có những phiên phục hồi tăng hơn 20 điểm nhưng ngay sau đó là những phiên giảm điểm liên tiếp. Tâm lý nhà đầu tư bị “tra tấn” khiến dòng tiền đổ vào cũng eo hẹp. Thanh khoản toàn thị trường trung bình chỉ đạt 13.300 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 24% so với tháng trước (tháng 5 giá trị giao dịch trung bình 3 sàn là 17.500 tỷ đồng).

Thị trường chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong tháng 6 chủ yếu đến từ vĩ mô ngoại biên. Trong đó, nổi cộm là vấn đề lạm phát toàn cầu tăng cao, tại Mỹ cao nhất trong vòng 30 năm buộc Fed phải thắt chặt tiền tệ, nâng thêm 0,75% lãi suất vào thời điểm giữa tháng 6.

Thực tế, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số S&P 500 giảm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (29/6), tiến tới hoàn tất nửa đầu năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Chỉ số Dow Jones tăng 82 điểm nhưng cũng hoàn tất quý giảm mạnh nhất kể từ quý 1/2020 - thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Còn trong 3 tháng trở lại đây, Nasdaq đã giảm hơn 20%, đây được coi là quý tệ nhất của chỉ số này kể từ năm 2008.

Diễn biến VN-Index trong tháng 6. SSI

Diễn biến VN-Index trong tháng 6. SSI

Khối ngoại gom DPM, xả HPG

Trong bức tranh chung ảm đạm, nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh là điểm sáng khi hai khối này đều thực hiện mua ròng. Theo thống kê của PV trên sàn SSI, khối ngoại mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trong tháng 6 vừa qua, giảm 28,2% so với tháng 5 mua ở mức 2.786 tỷ đồng. Top cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là DPM 649 tỷ đồng; CTG 530 tỷ đồng; MSN 460 tỷ đồng; quỹ FUEVFVND 385 tỷ đồng; STB 372 tỷ đồng; GAS 345 tỷ đồng; NLG 295 tỷ đồng; HDB 268 tỷ đồng; VGC 274 tỷ đồng; VHC 211 tỷ đồng; CTD 187 tỷ đồng…

Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán VIC nhiều nhất 628 tỷ đồng; HPG 580 tỷ đồng; NVL 500 tỷ đồng; MWG 306 tỷ đồng; DGC 250 tỷ đồng. VCB, NKG, VNM, SSI cũng là những cổ phiếu bị khối ngoại xả ròng trong tháng 6.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng gần 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nếu chỉ xét riêng trong quý 2/2022, giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại trên toàn thị trường ghi nhận con số ấn tượng là gần 9.000 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tương đối tích cực sau năm 2021 họ bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng rồi tiếp tục bán ròng gần 7.000 tỷ trong quý 1/2022.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND là mã chứng khoán dẫn đầu danh sách bên mua của khối ngoại với giá trị mua ròng đạt 3.304 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Nhiều quỹ ngoại tỏ ra ưa thích FUEVFVND do lợi thế danh mục gồm nhiều mã cổ phiếu đã kịch room, sở hữu triển vọng tăng trưởng tích cực.

“Ông lớn” hóa chất DPM cũng được khối ngoại mua ròng tích cực với lợi thế hưởng lợi từ giá cả tăng cao. Tổng giá trị mua ròng tại mã chứng khoán này sau 6 tháng qua xấp xỉ 1.360 tỷ đồng và chủ yếu thông qua khớp lệnh.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài còn đẩy mạnh gom vào DCM, MWG, NLG, CTG, HDB.

Chiều ngược lại, dẫn đầu trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2022 là HPG, giá trị ghi nhận hơn 2.353 tỷ đồng. Trong năm 2021, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát đã bị bán ròng lên tới gần 19.000 tỷ đồng. VHM, VND, SSI, VIC, NVL, VCB, PVD… cũng bị bán ròng mạnh.

Tự doanh mua mạnh EIB, bán TCB

Còn khối tự doanh các công ty chứng khoán mua ròng gần 300 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tháng qua. Giá trị mua ròng trên thị trường UPCoM là 160 tỷ đồng trong khi sàn HNX bị bán ròng 67 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, cổ phiếu EIB của Eximbank dẫn đầu về giá trị mua vào với gần 194 tỷ đồng. Theo sau là mã MWG với giá trị mua ròng 149 tỷ đồng.

Những phiên cuối tháng 6, cổ phiếu GEX của Gelex được mua ròng mạnh, lũy kế đạt 138,7 tỷ đồng trong tháng. Chứng khoán VIX (VIX) đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu GEX với mục đích nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 24/6 – 22/7/2022.

Ngoài ra, nhóm được khối tự doanh mua trên 100 tỷ đồng còn có IJC, KDH và EVF. Những mã chứng khoán có giá trị mua 50 – 65 tỷ đồng như VIC, GAS, HSG và DXG.

Chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán mạnh nhất với giá trị 293 tỷ đồng. Cổ phiếu TCB của Techcombank đứng thứ 2 với 167 tỷ đồng. Cùng nhóm ngân hàng, STB và VPB cũng bị bán ròng 90 tỷ đồng và 81 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng của khối tự doanh còn diễn ra ở một số mã như CTR, NVL, HDG, DPM với quy mô 50 – 85 tỷ đồng. Cường độ bán nhẹ hơn xuất hiện ở các cổ phiếu như TRA, SSI, PNJ.

Trên thị trường UPCoM, tâm điểm của dòng tiền tự doanh là hai cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn và ACV của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. Động thái mua gom mã BSR của khối tự doanh diễn ra trong nhiều phiên liên tiếp khi đây cũng là khẩu vị mới của dòng tiền ngoại trên thị trường.

Sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài sau 1 năm họ miệt mài bán ròng cho thấy niềm tin của họ đã trở lại với thị trường. Thực tế, kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất tốt với triển vọng tích cực. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát tháng 6 của năm 2022 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,18% so với tháng 12/2021. Chỉ số CPI bình quân lũy kế 6 tháng đầu năm là 2,44% so với năm ngoái và thấp hơn so với mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra. Số doanh nghiệp thành lập mới bùng nổ lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập trong tháng 6.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 30/6, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, cơ quan này đã rất nỗ lực, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh vừa qua, các giải pháp bình ổn thị trường được tổ chức thực hiện quyết liệt như yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán công bố số liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán; thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh đã được thị trường đánh giá cao, giúp nâng cao tính minh bạch cho thị trường.

Cùng với đó, UBCKNN tiếp tục triển khai tái cấu trúc thị trường, tăng cường công tác quản lý công ty đại chúng và các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức bộ máy, thực hiện cải cách hành chính trong các hoạt động của UBCKNN đối với doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đặt quyết tâm phát triển thị trường chứng khoán mạnh và bền vững hơn. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để đảm bảo cho thị trường vận hành ổn định, thông suốt, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.