Tranh luận quanh việc đổi ' thẻ căn cước công dân' thành 'thẻ căn cước'

QUỐC HỘI Việt nAM
14:47 - 10/06/2023
 Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước (sửa đổi), trong đó nội dung đổi tên gọi ' thẻ căn cước công dân' thành 'thẻ căn cước' nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, luật này được xây dựng nhằm mục tiêu rất quan trọng là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và không để ai bị xâm phạm về đời tư cá nhân.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện nay trung tâm dữ liệu dân cư đã đi vào vận hành ổn định. Và đã giúp đỡ rất nhiều cho công tác quản lý xã hội, đồng thời tạo thuận tiện lớn cho người dân. Bộ trưởng ví dụ, trước đây công tác xác minh người già, người tâm thần, trẻ em, người không may bị tai nạn trên đường… rất vất vả vì không biết là ai, danh tính thế nào. Nhưng giờ có cơ sở dữ liệu dân cư đã giải quyết được hết.

Tuy nhiên, theo Đại tướng Tô Lâm, qua quá trình làm căn cước công dân cho người dân, lực lượng công an phát hiện có cả triệu người dân không có bất cứ thứ giấy tờ nào, họ đa phần thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội. Khi mà cả trong thống kê dân số, những người nói trên cũng không có tên vì họ không có giấy tờ gì, không có căn cước, không hộ khẩu.

"Chúng tôi phát hiện có những người chưa bao giờ từng đi ra khỏi làng, bản, ấp, thôn, đây là những người này chủ yếu thuộc nhóm yếu thế, người già không nơi nương tựa, người nghèo, ốm đau bệnh tật, tàn tật. Họ không có nhu cầu kết nối xã hội, chưa từng đi đâu, chưa từng được chụp ảnh. Khi công an đến tìm họ xúc động lắm, có những cụ già chia sẻ 70 tuổi chưa bao giờ được chụp ảnh thẻ", Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, ngay cả Hà Nội, TP HCM cũng có rất nhiều người từ các vùng vì mưu sinh nên di cư đến. Họ đến hàng chục năm nay, tới khi con cái sinh ra vẫn như bố mẹ là không có hộ khẩu, không giấy tờ, không được đi học.

"Những hoàn cảnh như trên không phải cá biệt, vùng nào cũng có, cho nên luật được sửa đổi mới nhằm mục đích bảo vệ mọi đối tượng, mọi người dân để "không ai bị bỏ lại phía sau", Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Công an, đối với công tác quản lý xã hội thì việc hình thành cơ sở dữ liệu dân cư là một sự cải cách lớn. Trước đây, có bộ phận một cửa đã là tiện lợi rồi, nhưng giờ tiện lợi gấp bội phần vì là mọi giao dịch đều diễn ra trên môi trường điện tử, người dân ngồi ở nhà cũng có thể làm thủ tục với cơ quan Nhà nước, không cần đến nộp hồ sơ trực tiếp nữa.

Về tên gọi, Bộ trưởng Tô Lâm cũng giải thích việc "Luật căn cước công dân" bây giờ đổi thành "Luật căn cước" nhằm chính xác, bao hàm hơn. Với tên gọi căn cước nhằm mục đích xác định những thông tin cá nhân cơ bản như tên tuổi, quê quán,... với mục đích thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính.

"Đây không phải là giấy chứng nhận công dân, luật Quốc tịch đã bao hàm vấn đề này. Bởi lẽ, có những người bị tước đi một số quyền công dân như trong trại giam, chịu án tù nhưng vẫn cần có căn cước vì họ vẫn có quyền sở hữu tài sản, đăng ký chủ nhà, chủ đất, chủ xe ô tô... Không ai có thể tước những quyền này được", Bộ trưởng lý giải.

Tham gia thảo luận tại tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng hoàn toàn đồng tình với việc sửa đổi Luật Căn cước, phạm vi điều chỉnh của luật đã mở rộng hơn, không chỉ cấp giấy tờ căn cước cho công dân Việt Nam mà còn cấp cho cả bộ phận người không có quốc tịch cư trú ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về vấn đề đổi tên "thẻ căn cước công dân" thành "thẻ căn cước", ông Tùng nêu quan điểm không đồng tình. Nguyên nhân được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đưa ra, tên thẻ căn cước công dân hiện đã rất quen thuộc với người dân. Việc thay đổi sẽ tạo tâm lý không ổn định cho người dân vì liên tục bị xáo trộn.

Ông dẫn chứng, trước đây chứng minh nhân dân gồm 9 số, sau đó là chứng minh nhân dân 12 số, sau lại cấp thẻ căn cước công dân không gắn chíp, thẻ căn cước công dân gắn chíp và giờ là đề xuất thẻ căn cước.

Trong một thời gian ngắn mà chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục như thế có thể dẫn đến một tâm lý không tốt cho người dân. Chưa kể quá trình chuyển đổi phải mất nhiều năm. Chưa kể, hiện nay chúng ta đã cấp được 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân, ông Tùng nêu quan điểm và đề nghị cân nhắc thay đổi tên gọi của thẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - đoàn ĐBQH TP HCM bày tỏ sự băn khoăn về việc đổi tên gọi của thẻ như trong dự thảo. Nữ đại biểu cho rằng, việc đổi tên " thẻ căn cước công dân" thành "thẻ căn cước" không có nhiều ý nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh phân tích, dự thảo luật đã nêu rõ thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam do cơ quan quản lý căn cước cấp theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - đoàn ĐBQH TP HCM
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - đoàn ĐBQH TP HCM

"Do đó, thẻ căn cước công dân là để cấp cho công dân Việt Nam. Không cần thiết phải đổi từ "căn cước công dân" thành "căn cước". Ngay trong tờ trình, Chính phủ cũng chưa đưa ra lý do thuyết phục để sửa đổi thông tin này. Tôi cho rằng nên giữ tên cũ là thẻ "căn cước công dân" và không nên sửa đổi quá nhiều lần", đại biểu nêu quan điểm.

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.