Triển lãm quốc tế Hàng hải và Đóng tàu Việt Nam 2023. Ảnh: Phương Thảo. |
Sự kiện diễn ra từ 5-7/7, tại Cung Triển lãm xây dựng, quy hoạch kiến trúc quốc gia, Hà Nội, với sự góp mặt của hơn 100 đơn vị hàng hải từ nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, ông Kenny Yong, Tổng giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media cho biết, đây là lần đầu Triển lãm thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu Việt Nam được tổ chức tại Việt Nam, thu hút nhiều đơn vị từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Singapore, Thái Lan, Đức, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Đây là bước ngoặt quan trọng trong ngành đóng tàu toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự tham gia đông đảo của các đơn vị triển lãm từ khắp nơi trên thế giới là minh chứng cho tiềm năng phát triển của ngành tại Việt Nam.
Theo ông Kenny Yong, ngành đóng tàu Việt Nam đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường. Với đường bờ biển dài, lực lượng lao động lành nghề, địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu những lợi thế độc nhất các cơ hội ngành hàng hải mang lại.
Ảnh: Phương Thảo "Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý hàng hải quan trọng, nơi có nhiều tuyến hàng hải đi qua và là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia, tiềm năng cho thị trường đóng tàu là rất lớn. Do đó, việc hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, công nghệ đóng tàu có ý nghĩa vô cùng quan trọng”.
Với tiền đề đó, TS. Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy khẳng định triển lãm VIMOX 2023 sẽ là cầu nối giao thương quan trọng giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hữu ích, chia sẻ các công nghệ tiên tiến.
TS Hoàng Hùng cho biết, Việt Nam có khoảng gần 120 các cơ sở đóng tàu lớn nhỏ, với sản lượng hàng năm tăng gấp mười lần so với những năm 90 năm. Trước đây, nếu các cơ sở đóng tàu chỉ tập trung tại các khu vực phát triển kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP HCM, thì hiện nay, các cơ sở thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị phục vụ cho ngành đã phát triển rộng khắp, đảm nhiệm được các thiết kế có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Ảnh: Phương Thảo "Ngành đóng tàu Việt Nam với gần 70% vật tư thiết bị nhập ngoại. Đây là dư địa rất lớn dành cho các nhà cung ứng vật tư thiết bị trong ngoài nước, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Do đó, triển lãm là nơi tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa ngành đóng tàu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng".
Là một trong những đơn vị tham dự triển lãm, bà Vũ Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Marketing, Công ty TNHH Công Nghiệp Phú Thái Cat chia sẻ với Mekong ASEAN về 2 công nghệ là động cơ thuỷ và máy phát điện, phù hợp với nhiều tàu thủy Việt Nam.
"Động cơ được ví như trái tim của con tàu. Động cơ khoẻ thì ngư dân và thuỷ thủ đoàn sẽ an tâm ra khơi. Phú Thái Cat là đại lý chính thức duy nhất của Caterpillar tại Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến triển lãm một gợi ý hữu ích về công nghệ cho các hãng tàu thủy", bà Quỳnh Hoa cho biết.
Bên cạnh các hoạt động liên quan đến trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và công nghệ, hội thảo chuyên ngành đóng tàu và hàng hải được kỳ vọng thu hút nhiều ý kiến của các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chiến lược phát triển ngành hàng hải và đóng tàu.
Triển lãm dự kiến thu hút hơn 5.000 khách tham quan bao gồm các các nhà máy đóng tàu, các nhà sản xuất và cung cấp vật tư thiết bị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu công nghệ và thương mại của các doanh nghiệp trong ngành.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Ảnh: Phương Thảo |
Ảnh: Phương Thảo |
Ảnh: Phương Thảo |
Ảnh: Phương Thảo |