TTC AgriS phải chịu chi phí lãi vay lớn khi tổng nợ cao. |
Cụ thể, công ty mang về doanh thu 6.972 tỷ đồng, tăng gần 40% so với kỳ niên độ trước. Giá vốn bán hàng chiếm 6.385 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp còn lại 587 tỷ đồng, giảm 12%. Doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 9% xuống 297 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 151% lên 414 tỷ đồng. Chi phí lãi vay chiếm 309 tỷ đồng, tăng 64%.
Chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ nhưng giá vốn và chi phí tài chính “ăn mòn” lợi nhuận nên kết quả, SBT còn lãi sau thuế 122 tỷ đồng, giảm 50%. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 60% xuống mức 104 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng niên độ 2022-2023, TTC AgriS mang về tổng doanh thu 12.281 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ niên độ 2021-2022. Lợi nhuận sau thuế 384 tỷ đồng, giảm 13%.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 6 tháng là dương 113 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 1.398 tỷ đồng; nguyên nhân do tăng các khoản phải thu.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 450 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 1.603 tỷ đồng; nguyên nhân do giảm tiền chi góp vốn vào đơn vị khác. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính là dương 281 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 548 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty thu từ đi vay 11.133 tỷ đồng trong khi trả nợ gốc vay hơn 10.700 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của SBT đạt hơn 29.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu niên độ tài chính 2022-2023. Khoản tăng ghi nhận ở phần thu dài hạn khác (từ 105 tỷ đồng lên 435 tỷ đồng) và đầu tư vào công ty liên kết (từ 2.086 tỷ đồng lên 2.531 tỷ đồng).
Theo thuyết minh, trong kỳ, TTC AgriS đã chi thêm 441 tỷ đồng để mua thêm gần 37 triệu cổ phần do CTCP Toàn Hải Vân phát hành tăng vốn điều lệ, qua đó nâng số tiền đầu tư vào công ty liên kết này lên 2.013 tỷ đồng, tương đương 36,9% vốn điều lệ. Đây là công ty kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, kho cảng, bến bãi.
Các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn là 4.737 tỷ đồng, trong đó công ty dành hơn 802 tỷ đồng cho đầu tư chứng khoán, gồm các cổ phiếu GEG của CTCP Điện Gia Lai, VNG của CTCP Du lịch Thành Thành Công... SBT phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 82 tỷ đồng, trong khi đầu niên độ mới chỉ trích lập 30 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của SBT là 19.114 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ. Khoản tăng mạnh là phải trả ngắn hạn, từ hơn 2.600 tỷ đồng lên gần 3.800 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 8.700 tỷ đồng lên hơn 9.200 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ còn hơn 2.300 tỷ đồng. Tổng nợ vay của công ty là hơn 11.500 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nguồn vốn.
Trên thị trường chứng khoán, SBT kết phiên 27/1 đứng tham chiếu ở mốc 14.400 đồng. Sau khi phục hồi mạnh trong nửa cuối tháng 11 từ vùng giá đáy 10.000 đồng, cổ phiếu của TTC AgriS không có nhiều biến động.