Ukraine yêu cầu loại bỏ tên miền Nga khỏi Internet

internet NGA
17:06 - 02/03/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức phi lợi nhuận quản lý tên miền Internet toàn cầu ICANN xác nhận hôm 1/3 đã nhận được thư từ chính phủ Ukraine, trong đó Kiev yêu cầu tổ chức này xóa các miền của Nga khỏi mạng lưới web toàn cầu.

ICANN (viết tắt từ cụm từ Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) là một tổ chức chuyên quản lý tên miền, hệ thống dữ liệu, cấp phát địa chỉ IP, … của các website trên toàn thế giới. Nhiệm vụ của tổ chức này là duy trì sự ổn định của Internet. Tập đoàn được thành lập tại California Mỹ vào năm 1998 và là một tổ chức phi lợi nhuận.

Nguyên tắc hoạt động hàng đầu của tổ chức này chính là đảm bảo hoạt động thuận lợi của toàn bộ hệ thống Internet, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và thể hiện được tính đại diện của cộng đồng Internet trên toàn thế giới.

Người phát ngôn Angelina Lopez của tổ chức này cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng đã nhận được thư yêu cầu từ phía Ukraine và đang trong quá trình xem xét nó". Ngoài ra, bà cho biết tổ chức ICANN không có thêm bất cứ bình luận nào về tình hình hiện tại.

Chính phủ Ukraine đã yêu cầu ICANN “thu hồi các miền được cấp tại Nga”, đồng thời “đóng cửa các máy chủ hệ thống tên miền chính ở nước này”. Động thái này được cho là sẽ có thể giúp ngăn chặn hiệu quả quyền truy cập vào các trang web tại Nga cũng như khiến toàn bộ đất nước không thể có bất cứ truy cập trực tuyến quốc tế.

Động thái trên nhằm vào một quốc gia là chưa từng có trong lịch sử, tuy nhiên không có nhiều khả năng sẽ xảy ra. Nó cũng đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng về việc liệu xóa bỏ quyền truy cập của Nga vào hệ thống Internet toàn cầu có phải là điều khôn ngoan, trong bối cảnh tương lai của cả mạng lưới web lẫn nền kinh tế đang được đặt trong nhiều mối lo ngại.

Mặt khác, nó cũng có thể khiến Nga, Trung Quốc cũng như các quốc gia khác tìm cách rời khỏi hệ thống Internet toàn cầu của ICANN và tạo nên sự chia cắt. Điều này sẽ đe dọa tới tương lai của chính tổ chức này. Trước đó hồi năm 2018, cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt cũng đã đưa ra dự đoán rằng Internet toàn cầu cuối cùng sẽ chia thành hai, với một bên do Trung Quốc dẫn đầu và bên còn lại do Mỹ dẫn đầu.

Theo tờ The New York Times, kể từ 2019, Nga đã tăng cường nỗ lực kiểm soát luồng thông tin trong nước cũng như lắp đặt các thiết bị có khả năng chặn và lọc thông tin. Quốc gia này cũng đã làm chậm quyền truy cập Twitter vào mùa xuân năm 2021, sau khi cáo buộc tập đoàn công nghệ này chậm chạp trong việc gỡ bỏ một số nội dung nhất định trên nền tảng của mình.

Khi được liên hệ, chính phủ Ukraine đã không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề Internet cũng như yêu cầu đối với ICANN của mình.

Đọc tiếp