Vào mùa đại hội cổ đông: Nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi kỷ lục

DOANH NGHIỆP Việt nAM
12:10 - 09/03/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Mùa đại hội cổ đông đang cận kề, các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch để trình cổ đông thông qua. Nhiều công ty đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hai con số, thậm chí gấp vài lần năm 2021.

2021 là năm ghi nhận bức tranh lợi nhuận nhiều màu của các doanh nghiệp. Diễn biến Covid-19 khiến hầu hết các ngành bị ảnh hưởng dẫn đến kết quả kinh doanh của các công ty đi xuống, nhưng cũng có doanh nghiệp “vượt khó” ngoạn mục, thậm chí ghi nhận lãi đột biến như Đạm Phú Mỹ, Hóa chất Đức Giang, nhà sản xuất đá nhân tạo Vicostone, Tập đoàn Masan, Tập đoàn bất động sản Đất Xanh, Hoàng Anh Gia Lai…

Sang năm 2022, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát với độ bao phủ vắc xin cao cùng nhiều chính sách phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp đều đang hừng hực khí thế để thực hiện mục tiêu như mong muốn.

CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC) dự kiến sẽ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào ngày 29/3 tại Hà Nội. Theo tài liệu chuẩn bị trình cổ đông, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng; tăng lần lượt 26% và 39% so với năm 2021. Đây cũng là con số doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi thành lập của công ty. Cổ tức năm 2022 dự kiến là 30%.

Về cổ tức năm 2021, Hoá chất Đức Giang dự kiến trả với tổng tỷ lệ 127%. Trong đó, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền (171 tỷ) và dự kiến sẽ trình phương án phát hành hơn 200 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ phát hành 117% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 117 cổ phiếu mới). Thời gian phát hành trả cổ tức là trong năm nay.

Bên cạnh đó, DGC cũng muốn phát hành 8,55 triệu cổ phiếu ESOP, chiếm 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp. Mức giá này chỉ bằng khoảng 6% giá cổ phiếu DGC chốt phiên 8/3 (186.000 đồng/cp). Số cổ phiếu ESOP sẽ được chào bán cho nhân viên tập đoàn cùng công ty con và bị hạn chế chuyển nhượng ba năm. Thời gian phát hành cũng trong năm nay.

Trên thị trường, cổ phiếu của Hóa chất Đức Giang vừa trải qua những phiên tăng nóng cùng độ “hot” của nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất, tác động từ giá phân bón bị đẩy cao do ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine. Phiên 7/3, DGC đạt thị giá 190.000 đồng/cp, mức đỉnh của mã; xu hướng tăng vẫn chưa dừng lại.

DGC là cổ phiếu đang được quan tâm theo triển vọng nhóm ngành phân bón - hóa chất.

DGC là cổ phiếu đang được quan tâm theo triển vọng nhóm ngành phân bón - hóa chất.

CTCP Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán KDC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, dự kiến diễn ra vào ngày 23/3 tới tại TP HCM; với lợi nhuận mục tiêu cao nhất trong 5 năm. Cụ thể, KIDO đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và tăng 32,4% so với thực hiện năm 2021. Đây là những con số cao nhất so với các kết quả từ năm 2017 đến 2021.

Ngoài các mảng kinh doanh cốt lõi là dầu, bơ, kem, KIDO còn tập trung mở rộng chuỗi đồ uống Chuk Chuk và phát triển trở lại mảng bánh kẹo. F&B Chuk Chuk. Về chuỗi F&B Chuk Chuk, tháng 12/2021, KIDO và Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược, nhằm hợp tác phát triển mảng bán lẻ với chuỗi F&B Chuk Chuk, thuộc các hệ thống của Central Retail tại Việt Nam. Trong các giai đoạn tiếp theo của hợp tác, hai bên kỳ vọng đưa Chuk Chuk cũng như các sản phẩm thiết yếu của KIDO qua thị trường Thái Lan và các nước khác trong khu vực.

Năm nay, ngoài việc dự kiến chia cổ tức 6% bằng tiền mặt tương tự như năm trước thì KIDO còn dự định thưởng cổ tức tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu cho cổ đông.

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) cũng là một trong những doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi khủng trong năm nay. Trong nội dung chuẩn bị trình Đại hội cổ đông vào ngày 26/3 tới đây, Phát Đạt cho biết mục tiêu lợi nhuận năm 2022 là 3.635 tỷ đồng, tăng 55,1% so với kết quả thực hiện ở năm 2021. Trong đó, nguồn thu chủ yếu đóng góp từ 4 dự án: Khu đô thị du lịch Nhơn Hội - Bình Định, dự án cao tầng phân khu 9, Astral City và Serenity Phước Hải. Riêng Serenity Phước Hải được kỳ vọng là bước tiến mới của doanh nghiệp tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa - Vũng Tàu, mang về hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển các dự án nhà ở, nghỉ dưỡng khác như Bắc Hà Thanh (Bình Định), Khu dân cư Bờ Bắc (Quảng Ngãi), dự án 223 Trần Phú (Đà Nẵng), Serenity Phước Hải, Poulo Condor, Tropicana (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bình Dương Tower (Bình Dương)...; đồng thời có kế hoạch triển khai 5 khu công nghiệp tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Tại kỳ Đại hội tới, Phát Đạt cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 36,3%.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 để trình Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã chứng khoán CII) đề ra mục tiêu tổng doanh thu hơn 8.010 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kết quả năm 2021; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 757 tỷ so với phần lỗ ròng là 341 tỷ đồng năm vừa qua. Nếu hoàn thành thì đây sẽ là lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2018.

CII kỳ vọng khi Covid-19 được kiểm soát, các dự án bất động sản sắp hoàn thành sẽ được bàn giao trong năm 2022; đồng thời là nguồn thu từ các dự án BOT trọng điểm đã được đưa vào khai thác bắt đầu từ cuối năm 2021.

Năm 2021, CII lần đầu ghi nhận lợi nhuận âm kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm 2012. Tuy nhiên theo giải trình của doanh nghiệp, đây là tình trạng "lời thật, lỗ giả" do thực hiện theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) nên kết quả trên chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận mà CII đã thu về, trong đó khoản thu lớn nhất là số tiền hơn 1.000 tỷ đồng từ việc thoái 25,4 triệu cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy.

Doanh nghiệp cho biết nếu tính theo chuẩn mực IFRS, tổng thu nhập toàn diện sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ khoảng 1.700 tỷ đồng. Từ năm nay, công ty dự định sẽ chuyển đổi báo cáo tài chính hợp nhất của công ty theo chuẩn mực IFRS.

Tại tọa đàm “Triển vọng đầu tư năm 2022” mới đây, các chuyên gia đến từ FiinGroup Invest Summit (đơn vị phân tích dữ liệu tài chính tại Việt Nam) cho rằng, lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng tốt năm 2022, nhất là từ các nhóm ngành vốn đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong 2 năm qua. Số liệu và phân tích của FiinGroup cho thấy, năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 20%.

Số liệu này sẽ cần được cập nhật và đánh giá lại sau khi các doanh nghiệp thông qua tại đại hội cổ đông trong hai tháng tới đây. Tuy nhiên, theo quan sát của FiinGroup thì con số dự báo cập nhật có thể sẽ ở mức cao hơn do nhiều doanh nghiệp lập kế hoạch ban đầu thường thấp hơn số liệu thực tế, nhất là các doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.