Vật liệu của tương lai: Cửa sổ tòa nhà có khả năng phát điện

Vật liệu mới NĂNG LƯỢNG
15:57 - 12/11/2021
Chương trình Đối thoại trực tuyến toàn cầu do Quỹ VinFuture tổ chức.
Chương trình Đối thoại trực tuyến toàn cầu do Quỹ VinFuture tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00

Tiến sỹ Corey Hoven giới thiệu trong cuộc đối thoại toàn cầu về "Năng lượng tái tạo và vật liệu tương lai", do Quỹ Vinfuture tổ chức sáng nay, về ý tưởng xây dựng các tòa nhà có thể sản xuất ra năng lượng như những nhà máy điện mini.

Những vật liệu của tương lai

Cuộc đối thoại của Quỹ Vinfuture có sự tham gia của các giáo sư đoạt giải Nobel, các khoa học hàng đầu thế giới và chuyên gia khởi nghiệp nổi bật. Chia sẻ tại sự kiện này, Tiến sĩ Corey Hoven, Nhà sáng lập và Giám đốc Công nghệ của Next Energy Technologies đã đề cập đến vấn đề chuyển đổi vật liệu sang sản xuất ở quy mô công nghiệp cho sản phẩm mới là tấm quang điện trong suốt.

Ông chỉ ra thực trạng các tòa nhà cao tầng đang tiêu thụ tới 40% năng lượng toàn cầu, còn nhiều hơn cả ngành công nghiệp và vận chuyển. Do vậy, câu hỏi được đặt ra là con người làm cách nào để có thể xây dựng các tòa nhà sản xuất ra năng lượng, thay vì tiêu thụ năng lượng và đó chính là cơ hội của tấm quang điện trong suốt nói trên.

Hiện công ty của ông đang nghiên cứu và sản xuất một loại cửa sổ đặc biệt. Với nguyên liệu chất bán dẫn độc quyền, cửa sổ có khả năng biến đổi tia UV và tia hồng ngoại thành điện năng. Đây là một sản phẩm đặc biệt mà trên thị trường chưa có nhà sản xuất nào có khả năng tạo ra, có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong năng lượng tái tạo, biến các cửa sổ tòa nhà thành những nhà máy điện mini.

Cũng liên quan đến vấn đề năng lượng tái tạo, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay, đã chia sẻ chi tiết về việc năng lượng mặt trời đang và sẽ thay đổi cuộc sống của con người như thế nào. Bà chỉ ra mặt trái của việc dù điện năng đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống nhân loại nhưng cũng tạo ra nhiều vấn đề. Đặc biệt là việc sử dụng các nhiên liệu không thể tái tạo để sản xuất điện đã dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhưng nếu sử dụng pin năng lượng mặt trời để thúc đẩy năng lượng tái tạo như hiện nay để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch lại gây ra các vấn đề khác như sự đắt đỏ. Để giải quyết vấn đề này, bà đưa ra sáng kiến trong việc tạo ra loại vật liệu mới để chế tạo “pin mặt trời hữu cơ” siêu mỏng, có khả năng đàn hồi và đạt hiệu suất cao để phát triển nguồn điện năng tại khu vực vùng sâu vùng xa.

Giáo sư Thục Quyên khẳng định, công nghệ và vật liệu mới trong ứng dụng “pin mặt trời hữu cơ” nói trên sẽ dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi đối tượng, kể cả những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Sáng kiến này có thể góp phần giải quyết một bất bình đẳng về năng lượng hiện nay là hiện vẫn có đến 1,2 tỷ người trên thế giới, gồm khoảng 600 triệu người dân khu vực châu Phi, vẫn chịu thiệt thòi khi chưa được tiếp cận năng lượng điện.

Tiếp nối chủ đề này, Giáo sư Konstantin (Kostya) Sergevich Novoselov, người từng được trao giải Nobel trong lĩnh vực Vật lý năm 2010 đã có bài giới thiệu về “Vật liệu cho tương lai”. Ông cho biết, trong thế kỷ 21, con người đang đứng trước ba lựa chọ là phát triển thời đại vật liệu silicon, năng lượng hạt nhân hay tiến đến kỷ nguyên số. Mỗi sự lựa chọn đều hướng tới tiến trình phát triển khác nhau và mở ra những lối đi mới của nhân loại.

Cụ thể ông đề cập đến sự cần thiết để tiếp tục triển khai nghiên cứu sản xuất pin điện mặt trời bằng việc sử dụng vật liệu composite và Heterostructure (cấu trúc dị chất). Nếu được nghiên cứu thành công và triển khai có quy mô công nghiệp, sáng kiến ứng dụng này sẽ vô cùng có ích cho ngành năng lượng xanh của thế giới.

Đối thoại với trí tuệ của thế giới

Bên cạnh việc các chuyên gia, nhà khoa học tầm cỡ thế giới giới thiệu ý tưởng mới về vật liệu mới và năng lượng tái tạo, sự kiện do Quỹ Vinfuture tổ chức hôm nay còn tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ được giao lực trực tuyến với những tên tuổi này.

Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch của Vingroup và Đại diện của Quỹ VinFuture đánh giá: “Phiên đối thoại chính là cơ hội tốt để các khách mời và các nhà khoa học, những công ty khởi nghiệp được trao đổi ý kiến, bàn luận về các ý tưởng cho ngành năng lượng mới để kịp thời ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.”

Trong đó bà Oanh Vũ đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc giới thiệu với các nhà khoa học đầu ngành về dự án sản xuất cấu trúc Nano trong điều trị ung thư vú. Dự án này có triển vọng vì giá thành rẻ, tính tương thích sinh học cao và hiệu quả trong phát hiện sớm tế bào ung thư trên cơ thể người.

Trước cuộc đối thoại hôm nay, Quỹ Vinfuture đã tổ chức sự kiện đầu tiên vào tháng 9/2021 với chủ đề “Cách khoa học đang thay đổi sức khoẻ toàn cầu”. Phiên thảo luận có sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý sức khỏe, như Giáo sư Ezekiel Emanuel (Phó Giám đốc phụ trách Sáng kiến ​​Toàn cầu tại Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ), Giáo sư Alta Schutte (Chủ nhiệm đề tài chính của Y học tim mạch, mạch máu và chuyển hóa tại Khoa Y và Sức khỏe tại Đại học New South Wales, Australia).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Google trình làng loạt sản phẩm AI tại sự kiện Google I/O 2024.

Google trình làng loạt sản phẩm AI

Tại hội nghị thường niên Google I/O 2024 dành cho nhà phát triển diễn ra tối 14/5 (theo giờ Mỹ), Google giới thiệu loạt sản phẩm trí tuệ nhân tạo, từ các mô hình nhỏ chạy cục bộ cho đến mô hình ngôn ngữ lớn với hàng chục tỷ tham số.