VCCI dự kiến công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) vào tháng 4/2023

VCCI PGI
12:13 - 19/03/2023
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Quách Sơn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là một trong các giải pháp của VCCI để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi định hướng phát triển theo hướng bền vững, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ.

Khảo sát doanh nghiệp của VCCI cho thấy, chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước khẳng định hiểu rõ các quy định môi trường, trong khi có đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023, ngày 19/3, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết,Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án có chất lượng cao.

Tuy nhiên, với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thách thức hiện nay là không nhỏ. Mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường.

Bên cạnh đó, mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng 1/2 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

“Chỉ số Xanh cấp tỉnh là công cụ theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. Bên cạnh hoàn thiện khung khổ chính sách thì thúc đẩy thực thi chính sách cũng hết sức quan trọng”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Để thúc đẩy nhanh hành động của cộng đồng doanh nghiệp theo định hướng phát triển xanh và bền vững, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra, ông Đậu Anh Tuấn thông tin, VCCI đang xây dựng và dự kiến sẽ công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong tháng 4 tới.

Theo ông Tuấn, đây là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh, mức độ thực thi, tuân thủ pháp luật về môi trường, thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương.

“Cùng với đó là đánh giá trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

VCCI kiến nghị 5 giải pháp

Cũng tại diễn đàn, Trưởng ban pháp chế của VCCI đã đưa ra 4 kiến nghị nhằm thực hiện các mục tiêu của Chính phủ đặt ra trên lộ trình tăng trưởng xanh.

Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường.

“Thực tế đã cho thấy việc tăng cường tham vấn doanh nghiệp, người dân trong quá trình xây dựng pháp luật giúp cải thiện chất lượng quy định pháp luật. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chứng minh rằng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật sẽ giúp tăng cường mức độ tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.

PGI nhằm đẩy mạnh đầu tư xanh ở các địa phương.
PGI nhằm đẩy mạnh đầu tư xanh ở các địa phương.

Thứ hai, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững. VCCI kiến nghị các cơ quan Nhà nước nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chính sách, truyền thông chính sách, quy định để các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ) dễ dàng tiếp cận thông tin hơn.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh, khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch.

Thông qua việc đa dạng hóa hơn nữa chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Xây dựng các bộ tiêu chí để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường.

Thứ tư, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong tăng trưởng xanh nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. “Do đó, các cơ quan Nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon”, ông Tuấn nêu đề xuất.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp