VIC và NVL ngược dòng thị trường, một cổ phiếu giảm 40% trong phiên

NVL VIC
16:03 - 10/08/2023
Các nhóm ngành chìm trong sắc đỏ.
Các nhóm ngành chìm trong sắc đỏ.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm sâu với tác động tiêu cực chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng. VIC, NVL và một số cổ phiếu bất động sản vẫn diễn biến tích cực.

Kết phiên 10/8, chỉ số giảm 13,38 điểm, lùi về mốc 1.220,61 điểm. HNX-Index giảm gần 2 điểm và UPCoM cũng kết phiên trong sắc đỏ. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao, với hơn 23.700 tỷ đồng được giao dịch trên toàn thị trường.

Khối ngoại cũng diễn biến tiêu cực với việc bán ròng hơn 340 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong tổng số hơn 2.500 tỷ đồng giao dịch. Hai mã bị bán ròng mạnh nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND và MSN, với hơn 90 tỷ đồng. Tiếp theo là VPB 83 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 68 tỷ đồng, SSI 52 tỷ đồng, VCB 49 tỷ đồng, KBC, DCM, DIG…

Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất VNM và VIC với giá trị hơn 60 tỷ đồng. VHM cũng được mua ròng gần 40 tỷ đồng, CTD và CTG trên 20 tỷ đồng. Còn lại dòng tiền mua ròng rải rác ở HPG, SBT, HSG, DGC…

Áp lực giảm điểm hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. 14 mã bank trong rổ VN30 đều kết phiên trong sắc đỏ, với VCB -1,9%, VPB -2,8%, BID -3,5%, CTG -2,6%, STB -2,1%, TPB -1,9%... Bluechip giảm mạnh nhất là MSN với tỷ lệ -5,7%. GVR, BCM cũng giảm sâu.

VIC là trụ lực chính để đối chọi với áp lực bán của thị trường. Với việc tăng 3,2%, cổ phiếu của Vingroup đã giúp VN-Index không bị “rơi” thêm 1,5 điểm. Ngoài ra trong nhóm VN30 chỉ còn 2 mã dầu khí tăng giá nhẹ, là GAS và PLX.

Trong khi nhóm ngân hàng giảm sâu khi chỉ còn vài mã nhỏ giữ được sắc xanh thì nhóm bất động sản là nhóm duy nhất tăng giá, nhờ VIC và sự hỗ trợ của một số mã khác như NVL +3,2%, HPX +3,5%, SCR +3,3%, SJS, QCG, TDH, VPH, VC7 tăng trần… Tuy nhiên tỷ lệ tăng của nhóm này cũng rất nhỏ, do phần lớn các mã còn lại đều giảm giá.

Với các nhóm ngành còn lại, giảm mạnh nhất là nhóm thủy sản và nông nghiệp. Nhóm thủy sản không có mã nào tăng giá, VHC, ANV, IDI, CMX đều giảm 2-3%. Nhóm nông nghiệp chịu áp lực từ bộ đôi HAG và HNG khi cùng giảm hơn 3,5%; BAF giảm hơn 4% và ASM giảm 2,5%.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là VND, VIG, WSS. APG giảm sàn, AAS, ABW, HBS, PHS, SBS, TVB, VDS giảm sâu.

Tại nhóm bán lẻ, MWG giảm 1,1%; FRT giảm sâu 4,5%, ngay sau thông tin mã bị cắt margin do công ty ghi nhận lỗ ròng hơn 200 tỷ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023.

Cổ phiếu đáng chú ý hôm nay là XDC của CTCP Xây dựng công trình Tân Cảng, giảm tới 40% tương ứng 400.000 đồng trong một phiên. Giao dịch lần đầu tiên xuất hiện trên sàn chứng khoán này khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi thắc mắc, vì hôm nay không phải là phiên giao dịch đầu tiên của XDC.

Thực tế, đây là một quy định được áp dụng với các cổ phiếu trên UPCoM. Cụ thể, nếu không có giao dịch trên 25 phiên liên tiếp, thì ngày đầu tiên cổ phiếu giao dịch trở lại sẽ được áp dụng biên độ lên tới 40%.

Trước đó, XDC nổi lên như một hiện tượng với 30 phiên “tím trần” và đoạt lấy danh xưng “ngôi vương thị giá”. Ở đỉnh điểm, XDC có giá sát 1 triệu đồng/cp và bỏ xa cổ phiếu đắt giá thứ hai là VNZ (tại thời điểm đó có giá 700.000 đồng/cp).

Nếu bỏ 100 triệu đồng vào cổ phiếu XDC vào đầu tháng 5/2023, nhà đầu tư đã có hẳn 4,5 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Con số này tương đương với mức sinh lãi đáng mơ ước 4.400% trong chưa đầy 2 tháng. Tuy nhiên, mức tăng của XDC dựa trên nền thanh khoản cực thấp với chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên. Điều này một phần đến từ lượng cổ phiếu lưu hành trên sàn chứng khoán của XDC chỉ là 8.200 đơn vị, trong khi 87% cổ phần nằm trong tay 3 lãnh đạo của công ty.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.