Tỷ giá và lãi suất triển vọng tích cực là điều kiện để chứng khoán đứng vững

TỶ GIÁ LÃI SUẤT
17:19 - 08/08/2023
TS Lê Xuân Nghĩa lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế.
TS Lê Xuân Nghĩa lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Với những dự báo khả quan về tỷ giá và lãi suất, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng kinh tế vĩ mô trong năm 2024 và năm tới nữa sẽ ổn định, là điều kiện để thị trường chứng khoán đứng vững và phục hồi.

Cải cách bên trong là yếu tố quyết định tăng trưởng

Nhận định về tình hình vĩ mô tại Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2023 chiều 8/8, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng ADB cho rằng, nửa cuối năm nay và năm 2024, Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất, ít nhất là chưa giảm lãi suất song kinh tế Mỹ vẫn tương đối tốt, dự báo không bị suy thoái.

Trong khi đó, châu Âu duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát, kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái. Còn tại châu Á, kinh tế Trung Quốc – hàng xóm của Việt Nam và cũng là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực không phục hồi như kỳ vọng sau khi mở cửa nền kinh tế “hậu Covid 19”. Quốc gia này đã phải chuyển hướng sang chính sách tiền tệ mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng.

Một “vòng xoáy” nữa mới xuất hiện là đang có sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn trên toàn cầu trong khi Mỹ, Châu Âu cũng muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử khiến chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu sẽ có biến động. Điều này sẽ tác động đến Việt Nam, vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.

“Tựu trung lại, môi trường kinh tế quốc tế đang có rất nhiều khó khăn và chúng ta phải dựa vào nội lực của mình là chính”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Cũng tại Diễn đàn do Báo Đầu tư tổ chức, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì nhận định, tình hình bên ngoài tuy có cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn. Trong khi bên ngoài không kiểm soát được thì thay đổi, cải cách bên trong chính là yếu tố quyết định để thúc đẩy tăng trưởng. “Thực tế kinh nghiệm Việt Nam cho thấy, mỗi khi khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực rất mạnh”, vị chuyên gia cho biết.

Trong lúc doanh nghiệp đang thiếu vốn, nền kinh tế đang cần kích cầu, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng chính sách tài khóa sẽ phát huy tác dụng tốt hơn chính sách tiền tệ. Vì vậy, ông đề xuất sớm thực hiện hoàn lại thuế cho doanh nghiệp, nghiên cứu kéo dài thời gian giảm VAT.

Đồng tình với nhận định cải cách thể chế trong nước đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện tại, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, kinh tế thế giới dù có phục hồi thì cũng sẽ tác động thách thức đến Việt Nam, khi môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Xu hướng tiêu dùng xanh không thể đảo ngược, doanh nghiệp nếu không có chiến lược thay đổi thì sẽ kém cạnh tranh hơn, mất dần thị trường, như cơ chế thuế carbon của châu Âu.

Trong bối cảnh hiện nay, cải cách trong nước vô cùng quan trọng. Trong ngắn hạn, phải chia sẻ bớt khó khăn, còn trong dài hạn thì phải duy trì sự cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp cụ thể để cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Như Nghị quyết 105/NQ-CP không chỉ đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn mà còn yêu cầu cắt giảm chi phí, không ban hành quy định mới phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Thủ tướng cũng mới thành lập Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính...

Ông Phan Đức Hiếu

3 yếu tố để tỷ giá ổn định

Chia sẻ góc nhìn về tỷ giá về lãi suất, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, khi ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỷ giá. Tuy vậy, theo chuyên gia này, có 3 yếu tố để thấy tỷ giá năm nay có thể ổn định, USD khó “sốt” trở lại và NHNN có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.

Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. “USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay”, vị chuyên gia nói.

Thứ hai, giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam vẫn là thách thức, nhất là trong mùa đông sắp tới nhưng không lớn. Trong khi đó, Bộ Tài chính vẫn còn dư địa hỗ trợ giá xăng dầu.

Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.

“Việt Nam là quốc gia có cả công nông nghiệp mở cửa nhất thế giới nên NHNN rất lo ngại việc ổn định tỷ giá. Tuy nhiên các yếu tố trên cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô năm tới và tới nữa sẽ ổn định, là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán đứng vững và phục hồi nhẹ”, ông Nghĩa nhận định.

Bày tỏ quan điểm về việc NHNN có khả năng hạ lãi suất điều hành nữa không, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích dựa vào chỉ số PMI. Theo ông, chỉ số ngành sản xuất PMI toàn cầu đang nhích lên, cho thấy kinh tế thế giới đang ở đoạn cuối của đáy phục hồi. Kinh tế Việt Nam đang đi theo đáy chữ U từ tháng 11/2022 và cũng bắt đầu phục hồi nhẹ. Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm nay.

“Khoảng quý 4 trở đi, chỉ số này của Việt Nam sẽ khá hơn, kinh tế có thể phục hồi nhẹ từ quý 4/2023 và chắc chắn sẽ sáng nét hơn vào năm 2024”, ông Nghĩa nhận định.

Cùng với việc kinh tế phục hồi là khả năng Fed dừng tăng lãi suất vào cuối năm nay và có thể giảm lãi suất từ năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. “Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp”, vị chuyên gia nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp