Việt Nam không thể chờ giàu rồi mới xanh khi xây dựng kinh tế tuần hoàn

Tuần hoàn Việt nAM
23:43 - 23/04/2022
Một góc Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, Hải Phòng, nơi được coi là một trong những hình mẫu của kinh tế tuần hoàn.
Một góc Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, Hải Phòng, nơi được coi là một trong những hình mẫu của kinh tế tuần hoàn.
0:00 / 0:00
0:00
Tuy sớm triển khai từ năm 2015 nhưng xu hướng kinh tế xanh của Việt Nam hiện mới chỉ ở mức ban đầu. Do đó, các chuyên gia cho rằng yêu cầu đặt ra là cần có một chiến lược toàn diện và nhanh hơn hơn, để không phải chờ đất nước phát triển rồi mới xanh hóa.

Thị trường trực tiếp dẫn dắt doanh nghiệp kinh doanh xanh hóa

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế xanh 2022 do Thời Báo kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 22/4, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thương hiệu và Cạnh tranh đánh giá, chuyển biến xanh của nền kinh tế Việt Nam hiện chưa được như kỳ vọng, khi mới thực hiện được 3/12 mục tiêu của Chiến lược Xanh ban hành năm 2015.

“Ngoài nguyên nhân do nhận thức phải giàu mới có thể chuyển từ nâu sang xanh, thì một lý do rất đáng lưu ý của hiện trạng trên là nền kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào tài nguyên dẫn đến sự tận khai, cách quản trị, sản xuất vẫn theo hướng tuyến tính”, ông Thành phân tích.

Từ thực tế này, TS. Thành cho rằng cần đặt ra yêu cầu xây dựng một chiến lược mới, thay đổi từ tư tưởng phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Đại dịch COVID-19 hoành hành đã góp phần đẩy tư tưởng này lên một tầng lớp mới, định hướng người tiêu dùng yêu cầu phải có yếu tố xanh, phải nhân văn và tính đến trách nhiệm bền vững.

Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần chuyển đổi theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là cách chơi mới mang tính thị trường của các doanh nghiệp. Mở rộng ra các thị trường quốc tế, đằng sau các cam kết hội nhập là áp lực thay đổi cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Ảnh tác giả

“Như vậy có rất nhiều yếu tố tác động đến yêu cầu thay đổi như thói quen người tiêu dùng, tiêu chuẩn các nước nhập khẩu. Đây là minh chứng cho sự dẫn dắt của thị trường cho nền kinh tế xanh chứ không chỉ đơn giản là yếu tố chính trị như trước, càng không thể đợi giàu mới chuyển từ nâu sang xanh được".

TS. Võ Trí Thành

Theo ông Thành, doanh nghiệp cần hiểu sự vận hành của thị trường. Những doanh nghiệp gắn với chữ “xanh” và chữ “trách nhiệm xã hội” cũng được người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền với mức độ cao nhất. Những doanh nghiệp đi theo mô hình phát triển bền vững thì hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn trong trung và dài hạn.

Dẫn thực tế trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, những doanh nghiệp đạt được mục tiêu của VCCI đề ra về phát triển bền vững có sức chống chịu tốt hơn các doanh nghiệp khác, ông Thành khẳng định tầm quan trọng trong chuyển đổi sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và đầu tư xanh.

“Doanh nghiệp cần làm hai việc quan trọng để tạo ra tiền để đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn: Cách thứ nhất nhắm vào thị trường, đối tác tạo ra các sản phẩm xanh để mang lại doanh thu; Thứ hai là thay đổi cách ứng xử, quản trị, tương tác với thị trường để tạo ra thương hiệu xanh”, TS. Võ Trí Thành gợi ý.

Dưới góc độ là một trong những doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, ông Lê Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Kinh doanh Xe máy điện VinFast cho biết, công ty này chuẩn bị tung ra một dòng pin xe máy điện có chi phí thấp hơn nhưng đi được quãng đường xa hơn, triển vọng có thể ảnh hưởng đến cục diện cả thị trường xe máy tại Việt Nam.

Xe máy điện VinFast có mặt tại thị trường. Ảnh: VinFast.

Xe máy điện VinFast có mặt tại thị trường. Ảnh: VinFast.

Theo tính toán của VinFast, xe máy điện dùng dòng pin mới có thể đi 100 km mà chỉ mất 1,5 kWh điện, tương đương khoảng 5.000 - 6.000 đồng. “Cộng với chính sách thuê pin thì một shipper di chuyển 150 km mỗi ngày, mỗi tháng tốn hơn 2 triệu đồng tiền xăng nhưng chuyển sang xe điện chỉ tốn khoảng 600.000 đồng chi phí”, ông Long dẫn chứng sự vượt trội của các sản phẩm xanh trước nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay sự chuyển đổi mô hình kinh doanh xanh hóa mới chỉ diễn ra nhiều ở các doanh nghiệp lớn như Vingroup. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể đuổi kịp xu hướng xanh kinh tế xanh.

Trả lời câu hỏi này, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường UNDP Việt Nam cho biết, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không nằm trong cơ chế được hưởng thủ các chính sách đầu tư, bảo vệ của Nhà nước. Đây cũng chính là một khoảng trống mà Chính phủ cần điều chỉnh.

“Việc chuyển đổi xanh sẽ tạo ra những đòi hỏi lớn về mặt đầu tư ban đầu, tuy nhiên đây là việc không thể không thực hiện, cần có trong chiến lược phát triển dài hạn của các doanh nghiệp”, ông Lai nhấn mạnh. Trong khi đó, Việt Nam là nước chịu tác động mạnh mẽ trực tiếp bởi các yếu tố thiên tai biến đổi khí hậu nên việc các doanh nghiệp ngoài việc thực hiện các cam kết kinh tế xanh vì yêu cầu thị trường và mục tiêu chính trị, thì việc giảm phát thải cũng là một cách tự cứu lấy mình.

Ảnh tác giả

“Nếu Việt Nam không tham gia vào các cam kết quốc tế giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu thì nguy cơ đối mặt với rủi ro là rất lớn. UNDP đã nghiên cứu nhiều doanh nghiệp ở miền Trung, sau mỗi lần bão lũ là một lần đối diện với nguy cơ phá sản”.

Ông Đào Xuân Lai

Kinh tế xanh: Chúng ta đang ở đâu

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia đã tiến hành xác định vị trí của Việt Nam trong quá trình xây dựng nền kinh tế xanh. Đánh giá về quá trình định vị này, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM trăn trở việc tại sao kinh tế tuần hoàn của Việt Nam phát triển rất ì ạch và hiện mới chỉ có bộ khung.

Nguyên nhân là theo ông An, dù chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được triển khai sớm từ năm 2015 nhưng sự lan tỏa chưa trở thành xu hướng.

Ảnh tác giả

“Ông bà ta thường nói ăn no mặc ấm rồi mới nói đến ăn ngon mặc đẹp. Do vậy, trước đây yếu tố bền vững có được nhắc đến nhưng hiện nay mới có thể đề cập toàn diện hơn”.

Ông Phạm Bình An

Trong xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do trước đây cũng có nói đến vấn đề môi trường nhưng cho đến khi Việt Nam tham gia vào CPTPP và EVFTA thì mới bắt đầu có các điều khoản rõ ràng về phát triển bền vững. "Đại dịch COVID-19 bên cạnh việc gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thì cũng mở ra xu hướng tái cấu trúc lại nền kinh tế cho các quốc gia”, ông An cho biết thêm.

Cùng chung một phần nhận định với ông An, nhưng TS. Võ Trí Thành lại cho rằng, kinh tế xanh của Việt Nam tuy phát triển chậm nhưng đã hình thành được một số chính sách cụ thể như tín dụng cho năng lượng tái tạo, phát hành trái phiếu xanh, tốc độ tăng của tín dụng xanh gấp 3 lần so với trước 2015. Do vậy, khái niệm kinh tế tuần hoàn Việt Nam cần xây dựng lại toàn diện và phạm vi rộng hơn.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc – UNEP, kinh tế xanh là “nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho rằng, các cụm từ khóa cần lưu ý sẽ là “từ nâu sang xanh”, “tuyến tính sang tuần hoàn”, “tăng trưởng thuần túy sang phát triển bao trùm bền vững”. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn của chính sách để được hỗ trợ về tín dụng, đầu tư, đào tạo, hạ tầng, đất đai, các cơ chế.

Lấy ví dụ về trường hợp khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền – Hải Phòng được doanh nghiệp tự xây dựng các tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Thành đánh giá đây là mô hình kinh tế xanh mang đúng bản chất rất doanh nghiệp. Thương hiệu của Nam Cầu Kiền mấy năm gần đây đã tăng lên giúp doanh nghiệp, người lao động đều hưởng lợi.

“Biết đây là một việc khó nhưng quy luật sẽ không thể thay đổi nếu người đứng đầu lãnh đạo doanh nghiệp không thay đổi. Và quá trình này gắn với chiến lược phát triển của doanh nghiệp, chữ xanh hay tuần hoàn không thể tách rời khỏi hoạt động kinh doanh thực”, ông Thành khuyến nghị.

Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP HCM khẳng định, kinh tế tuần hoàn được coi là một công cụ giải quyết bài toán kinh tế - môi trường nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Ảnh tác giả

Nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đang được áp dụng ở nhiều quy mô khác nhau, gồm cấp độ nhỏ (sản xuất, công ty, người tiêu dùng); vừa (khu công nghiệp sinh thái) và lớn (vùng quốc gia và xuyên quốc gia).

PGS. TS Nguyễn Hồng Quân

Về tương lai phát triển của kinh tế xanh Việt Nam, dự kiến trong năm nay Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn sẽ cùng tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

“Trong đó, gắn phát triển kinh tế tuần hoàn với du lịch xanh, bền vững; hình thành các khu công nghiệp sinh thái cộng sinh; áp dụng trong đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, các ngành nông nghiệp – thực phẩm; các mô hình kinh doanh gắn với năng lượng tái tạo; bất động sản nghỉ dưỡng; đô thị tuần hoàn và nhiều lĩnh vực đa ngành liên quan”, ông Quân cho biết thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp