Thủ tướng Anh Rishia Sunak. Ảnh: PA |
Guardian đưa tin, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết thỏa thuận trên là một phần trong nỗ lực kết nối thương mại trên toàn thế giới của Anh sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), đảm bảo quyền tiếp cận của các nhà xuất khẩu của nước này tại thị trường 500 triệu dân ở 11 quốc gia thành viên của CPTPP.
“Việc tham gia khối thương mại CPTPP đưa Vương quốc Anh trở thành trung tâm của một nhóm các nền kinh tế Thái Bình Dương năng động và đang phát triển”, Thủ tướng Sunak tuyên bố.
Trong khi đó, Bộ trưởng thương mại Anh Kemi Badenoch nhận định rằng thỏa thuận gia nhập CPTPP phản ánh "các quyền tự do hậu Brexit của Anh trong việc tiếp cận các thị trường mới trên thế giới và phát triển kinh tế đất nước".
Reuters dẫn tuyên bố của chính phủ Anh cho biết, thỏa thuận tham gia CPTPP sẽ cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng chủ lực như ô tô, rượu và các sản phẩm từ sữa. Về dài hạn, thỏa thuận thương mại này sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của Anh thêm 1,8 tỷ Bảng (2,2 tỷ USD) mỗi năm.
Sau khi rời EU, Anh đã tham gia các thỏa thuận thương mại với Australia và New Zealand, đồng thời nhất trí FTA (hiệp định thương mại tự do) với Nhật Bản vào năm 2002. Nước này cũng đang đàm phán với Canada và Mexico về các FTA mới, sau khi hủy bỏ các thỏa thuận thương mại trước đó với EU vào cuối năm 2020.
CPTPP được ký kết năm 2018, gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam. Các nước thành viên CPTPP đóng góp khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Khi có thêm sự tham gia của Anh, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 16%.
Là thành viên không sáng lập đầu tiên của CPTPP, Vương quốc Anh dự kiến sẽ thiết lập khuôn mẫu cho các ứng viên khác muốn tham gia, bao gồm của Costa Rica và Uruguay.
Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào năm 2021, vài tháng sau khi Anh nộp đơn. Một quốc gia muốn gia nhập hiệp định thương mại này cần được tất cả các thành viên đồng thuận.