Vượt lên bất động sản, ngân hàng lấy lại "ngôi vương" trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp

TÀI CHÍNH Việt nAM
15:58 - 11/01/2022
Ngành ngân hàng đã giành lại vị trí quán quân phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ngành ngân hàng đã giành lại vị trí quán quân phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 12, ngành ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 46.926 tỷ đồng, chiếm tới 71,36% tổng giá trị phát hành. Ngân hàng đã giành lại vị trí quán quân phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa đưa ra công bố, từ tháng 12/2021, nhóm ngân hàng đã trở lại vị trí dẫn đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau 2 tháng tụt xuống vị trí thứ 2 và xếp sau bất động sản.

Cụ thể, theo dữ liệu tổng hợp của của HNX và SSC, trong tháng 12 đã có tổng cộng 80 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 65.757 tỷ đồng. Với giá trị phát hành đạt 46.926 tỷ đồng (tỷ lệ 71,36 %), ngân hàng là nhóm có khối lượng phát hành lớn nhất trong tháng, bỏ xa bất động sản ở vị trí thứ 2 với 9.538 tỷ đồng (14,5 %).

Cục diện tháng 12 đã đảo ngược so với trước đó khi bất động sản là nhóm dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trong tháng 11 với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành. Ngân hàng chỉ là nhóm ngành xếp thứ 2 trong tháng 11 về tổng giá trị phát hành 7.950 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị phát hành.

Với gần 47 nghìn tỷ đồng giá trị phát hành trong tháng 12, gấp 7 lần nhóm liền kề, ngân hàng đã giành lại vị trí quán quân phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021, kết thúc cuộc đua kịch tính với bất động sản trong những tháng cuối năm.

Trong nhóm ngân hàng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là đơn vị phát hành trái phiếu có tổng giá trị lớn nhất, đạt 9.970 tỷ đồng sau 6 đợt phát hành, lãi suất 2.4 %/năm nhằm tăng vốn hoạt động. Kế đó là Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) xếp sau với khối lượng phát hành 9.000 tỷ đồng, kỳ hạn dao động từ 3-7 năm.

Còn trong nhóm bất động sản, doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất là CTCP Đầu Tư SunValley (3.560 tỷ đồng) với trái phiếu kỳ hạn 4 năm, theo sau là CTCP Bách Hưng Vương (2.980 tỷ đồng) với trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 1 năm.

Đáng chú ý, hai doanh nghiệp này và CTCP Wealth Power đã phát hành tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng giai đoạn gần đây và những công ty này đều có mối liên hệ mật thiết với tập đoàn bất động sản mới trúng thầu khu đất Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục là Tân Hoàng Minh.

96% lượng TPDN 2021 là trái phiếu riêng lẻ

Kết thúc năm 2021, đã có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng.

Trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570 nghìn tỷ đồng (chiếm 95,8 tổng GTPH). Cùng với đó là 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26,34 nghìn tỷ (chiếm 4,6% tổng GTPH) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.

Trong năm 2021, nhóm ngân hàng thương mại đã dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 223,01 nghìn tỷ đồng, trong đó có 55,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.

Một số ngân hàng có khối lượng phát hành đáng chú ý trong năm là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 17.030 tỷ đồng, kế đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với 13.350 tỷ đồng.

Như trên, ở nhóm ngân hàng, tháng 12 là thời điểm phát hành nhiều nhất với tổng giá trị gần 47 nghìn tỷ đồng (chiếm trên 1/5 tổng khối lượng phát hành của cả năm 2021).

Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt 214,44 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 36%. Trong đó có khoảng có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8,13%/năm.

Bên cạnh đấy có một vài doanh nghiệp có mức lãi suất phát hành chỉ ở mức khoảng 5%-6%/năm. Kỳ hạn 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm với 142.389 tỷ đồng, chiếm 67,33%.

4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trong năm gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD); trái phiếu xanh của CTCP Bất động sản BIM (200 triệu USD); trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD) và trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD).

Tin liên quan

Đọc tiếp