WB dự báo GDP Việt Nam sẽ 'bật tăng' trong năm 2022

VĨ MÔ Việt nAM
18:02 - 13/01/2022
WB dự báo GDP Việt Nam sẽ 'bật tăng' trong năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bật tăng từ 2,58% năm 2021 lên 5,5% năm 2022, đồng thời bày tỏ sự kỳ vọng vào Chương trình phục hồi kinh tế mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua.

WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 5,5%, lạm phát dưới 4%

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 1/2022 tựa đề “Không còn thời gian để lãng phí”, WB cũng dự báo sau khi tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 5,5% trong năm 2022 sẽ ổn định về mức khoảng 6,5% trong những năm sau đó.

Dự báo trên dựa trên giả định đại dịch sẽ được kiểm soát cả trong nước và quốc tế, tạo động lực phục hồi khu vực dịch vụ phục hồi và khách du lịch quốc tế bắt đầu quay trở lại từ giữa năm.

Về lĩnh vực thương mại, giả định kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu ổn định tại các thị trường đích như Mỹ, EU và Trung Quốc khi các quốc gia này tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2,58%

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2,58%

Theo dự báo của WB, cán cân thanh toán vãng lai được kỳ vọng sẽ đạt thặng dư trong trung hạn nhờ xuất khẩu tăng trưởng và dòng kiều hối đổ về vững chắc. Tuy nhiên, mức thặng dư khiêm tốn (khoảng 1,5-2% GDP trong trung hạn) do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Kiều hối dự kiến đóng góp ổn định từ 18 - 20 tỷ USD cho tài khoản vãng lai trong trung hạn.

Dự báo chính sách tài khóa mở rộng tiếp tục được duy trì mà không gây tác động lớn đến cân đối tài khóa, trong khi gánh nặng nợ vẫn bền vững trong ngắn hạn và trung hạn. Cụ thể, bội chi NSNN dự kiến ở mức khoảng 4,4% trong năm 2022 trong khi nợ dự kiến không tăng nhiều theo giá so sánh vì Chính phủ vẫn còn nguồn ngân quỹ, nguồn kết chuyển từ năm trước.

Về chính sách tiền tệ, theo WB, việc điều chỉnh quay lại chính sách tiền tệ an toàn hơn là bước đi cần thiết, trên cơ sở tăng sử dụng các công cụ tài khóa và đẩy mạnh quản lý rủi ro gia tăng trong khu vực tài chính trước rủi ro nợ xấu ở các ngân hàng thương mại cũng như nguy cơ áp lực lạm phát tăng lên trong năm nay.

Lạm phát trong nước dự kiến sẽ tăng trong năm 2022 dù vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu 4% của NHNN. Các nhà kinh tế WB nhận định về áp lực lạm phát nhập khẩu dự kiến dịu đi trong năm 2022 trong khi áp lực lạm phát cầu kéo trong ngắn hạn gần như là không có do cung đang lớn hơn cầu.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, WB cảnh báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 còn đối mặt với nhiều rủi ro bất định do diễn biến khó lường của đại dịch, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như tâm lý thận trọng của người tiêu dùng.

Các dự báo trên cũng được WB được đưa ra trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội (gọi tắt là Chương trình phục hồi) hôm 11/1 qua.

Thúc đầu tư công để triển khai nhanh chóng Chương trình phục hồi

Nhận định về Chương trình phục hồi mà Quốc hội vừa thông qua, TS. Jacques Morisset Chuyên gia kinh tế trưởng WB cho rằng đây là gói hỗ trợ tốt để giúp Việt Nam tăng cường sức ứng phó và chống chịu trước cuộc khủng hoảng đại dịch.

Ảnh tác giả

“Chính phủ cần có chính sách tài khóa chủ động hơn để hỗ trợ nền kinh tế như giảm thuế, phí, kích cầu tiêu dùng tư nhân, tăng chi tiêu công… và rõ ràng Chính phủ đang làm điều này. Gói hỗ trợ đem đến tác động tích cực không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả dài hạn để đưa Việt Nam vươn lên thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045-2050”.

TS. Jacques Morisset

Theo ông Jacques Morisset, một điểm quan trọng trong Chương trình phục hồi là việc Chính phủ cho thấy nỗ lực tinh giản thủ tục đầu tư thông qua các cơ chế giải quyết điểm nghẽn trong đầu tư công.

“Chúng ta đều thống nhất rằng cuộc khủng hoảng đã phơi bày một số điểm nghẽn liên quan đến đầu tư công. Đây là điều mà Chính phủ đang nỗ lực giải quyết bằng việc thay đổi quy trình thủ tục đầu tư cũng như những sự điều chỉnh quan trọng trong quá trình tương tác giữa trung ương và địa phương”, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nói thêm.

Việc chú trọng đưa một lượng tiền lớn để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng xã hội và an sinh xã hội cũng mang đến lợi ích to lớn cho nhóm người nghèo - nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng đại dịch khi chất lượng y tế, giáo dục nói chung được nâng lên.

Ngoài ra, ông Jacques Morisset đề xuất Chính phủ hành động nhiều hơn trong lĩnh vực thương mại xanh và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy đầu tư công theo hướng tăng cường các dự án sạch, giảm phát thải carbon, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tương tự quan điểm của ông Jacques Morisset, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công như một cấu phần quan trọng trong việc triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi quy mô gần 350 nghìn tỷ sắp tới.

“Chính phủ hiện đang chú trọng hiệu quả hiệu suất đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư công. Đây là những điểm tích cực. Nhưng quan trọng là phải đưa ra những nguyên tắc về đầu tư công trong tương lai làm khuôn khổ thúc đẩy hiệu suất đầu tư dài hạn”, bà Carolyn Turk nói thêm.

Một trong những lĩnh vực đầu tư công mà bà Carolyn đặc biệt quan tâm là cơ sở hạ tầng liên kết vùng, những dự án liên vùng mang tính đột phá, đặc biệt ở các khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây cũng là chủ trương mà Chính phủ đang quan tâm triển khai thông qua các nhiệm vụ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương. Trước đó, vào tháng 10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030. Đề án quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là đề án đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng cả nước đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm thông qua.

Nhìn chung, WB bày tỏ sự đánh giá tích cực và trông chờ vào hiệu quả thực thi Chương trình phục hồi quy mô gần 350 nghìn tỷ dự kiến triển khai trong 2 năm 2022-2023..

“Việt Nam đã đi sau về chiến dịch tiêm chủng COVID-19, tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, quá trình triển khai rất nhanh và ấn tượng. Đến nay Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Trong gói phục hồi lần này, Việt Nam cũng đi sau và phải mất tới 3-4 tháng gói này mới được phê duyệt thông qua. Câu hỏi bây giờ là liệu Việt Nam có thực hiện hiệu quả gói này như đã triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng hay không”, ông Jacques Morisset đặt vấn đề.

Tại Nghị quyết về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội với tổng quy mô thực chi gần 350 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội vừa thông qua, khoảng 113,85 nghìn tỷ sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong đó, 103,164 nghìn tỷ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, 5,686 nghìn tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số và gói 5 nghìn tỷ đồng chi cho hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu…

Chương trình phục hồi đi kèm một số đổi mới thể chế và cơ chế đặc thù cho phép triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt là gói đầu tư công.

Tin liên quan

Đọc tiếp