World Bank: Việt Nam có nguy cơ thừa 1,75 triệu nam giới vào năm 2050

Dân số Việt nAM
10:06 - 08/04/2022
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam ở mức 111 ca sinh trai trên 100 ca sinh gái trong 5 năm qua. Ảnh: DCS
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam ở mức 111 ca sinh trai trên 100 ca sinh gái trong 5 năm qua. Ảnh: DCS
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 ( giai đoạn 2018 – 2019), ở mức cao thứ hai trên thế giới, gây ra những bất ổn về kinh tế - xã hội, dẫn đến cần phải sửa đổi Luật Dân số và Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo cân bằng.

Hiện đã có những tiến triển quan trọng hướng tới thu hẹp khoảng cách giới ở Việt Nam, cụ thể liên quan đến giáo dục và sự tham gia thị trường lao động của phụ nữ. Tuy nhiên, đầu thập kỷ 2000 với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, Việt Nam đã xuất hiện một hình thức phân biệt giới tính nữa là lựa chọn giới tính khi sinh dựa trên trên cơ sở định kiến giới.

Báo cáo “Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam Dự báo cơ cấu dân số và khuyến nghị cải cách chính sách” của Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) công bố ngày 7/4 cho thấy, hành vi lựa chọn giới tính không chỉ dẫn đến những quan ngại nghiêm trọng về quyền con người mà còn đến chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh cao hơn định chuẩn sinh học ở mức 105 nam trên 100 nữ, dẫn đến tác động nguy hại về cơ cấu dân số, kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Mất cân bằng giới tính khi sinh dự kiến sẽ dẫn đến dôi dư 1,3 triệu nam giới trong độ tuổi 20 – 39 vào năm 2044.

Về góc độ xã hội, việc “thừa nam giới” - không có khả năng kết hôn sẽ gây ảnh hưởng lâu dài về ổn định xã hội, đang được coi là có liên quan đến tăng tội phạm, các hành vi liều lĩnh, quẫn trí, bạo lực, buôn người, kinh doanh tình dục, bóc lột, mại dâm và hiếp dâm ở các quốc gia có tỷ số giới tính khi sinh cao.

Về kinh tế, “thiếu phụ nữ” – thiếu vắng trong xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển con người, tỷ lệ tham gia lao động và năng suất lao động.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh qua nhiều văn bản chính sách, pháp luật và các chương trình, nhằm xử lý vấn đề lựa chọn giới tính trực tiếp và gián tiếp thông qua các luật về bình đẳng giới hoặc an sinh xã hội để xóa bỏ nhu cầu phải có con trai đảm bảo an sinh khi về già.

WB đánh giá cam kết chính trị của Chính phủ Việt Nam về chống lựa chọn giới tính được coi là hình mẫu cho các nước khác trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, quá nhiều chính sách liên quan đến lựa chọn giới tính lại dẫn đến các chỉ đạo có phần chồng chéo. Các chính sách liên quan đến lựa chọn giới tính mâu thuẫn với các mục tiêu lớn hơn về chính sách dân số, tạo nên một mảng chính sách còn nhiều xung đột.

Báo cáo đưa ra phân tích cơ cấu dân số cho thấy tỷ số giới tính khi sinh chính thức của Việt Nam là 111,5 trong các năm 2018 - 2019, ở mức cao thứ hai trên thế giới. Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh đặc biệt cao ở nhóm khá giả và có trình độ giáo dục, ở nông thôn miền Bắc, và ở những lần sinh con về sau.

So với các quốc gia khác, tình trạng tăng tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam xuất hiện muộn hơn dự kiến, nhưng lại tiến triển ở mức ổn định hơn. Tỷ số giới tính khi sinh đã ổn định ở mức 111 ca sinh trai trên 100 ca sinh gái trong 5 năm qua.

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020 cũng chỉ ra, Việt Nam có khoảng 45.900 trẻ em gái không được sinh ra mỗi năm do lựa chọn giới tính (6,2% thai nhi nữ), gồm 43% số trẻ em gái không được sinh ra ở đồng bằng sông Hồng, và 20% số trẻ em gái không được sinh ra ở miền núi và trung du Bắc bộ.

Tình trạng này sẽ gây hậu quả bất lợi nghiêm trọng chỉ có thể cảm nhận đầy đủ trong 30 năm tới, với khoảng 1,75 triệu đàn ông dôi dư vào giữa thập kỷ 2050.

Khuyến nghị cải cách Luật Dân số và Luật Bảo hiểm xã hội

Để cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội cho Việt Nam, WB đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam, tập trung vào 2 trụ cột là sửa đổi Luật Dân số (đang soạn thảo) và Luật Bảo hiểm xã hội (ban hành năm 2014).

Trong đó, về Luật Dân số của Việt Nam, WB cho rằng có nhiều điều khoản xử lý lựa chọn giới tính và chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam thiếu nhất quán về chính sách sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai luật.

Do vậy, WB khuyến nghị Việt Nam cân nhắc xóa bỏ phần định chuẩn chung về sinh hai con trong Quyết định 588/QĐ-TTg liên quan tới các chính sách điều chỉnh quy mô dân số, thay vào đó đầu tư vào các chương trình chăm sóc trẻ mầm non và chế độ cha mẹ nghỉ phép chăm con, tạo điều kiện linh hoạt hơn về chế độ thai sản và chăm sóc con cho các gia đình.

Luật Dân số cần tham chiếu đến các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam và đảm bảo quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục cho mọi người dân, đồng thời sửa các điều liên quan mâu thuẫn với những nghĩa vụ đó.

Báo cáo cũng đề cập đến yêu cầu tăng cường các chính sách phòng chống tâm lý coi trọng con trai trong Luật Dân số, cụ thể trong các lĩnh vực quyền tài sản và thừa kế, thờ cúng tổ tiên, và an sinh xã hội.

Về an sinh xã hội, cần mở rộng phạm vi bao phủ thực chất cho toàn bộ dân số và tăng chi an sinh xã hội; giảm đóng góp của người được bảo hiểm, và mở rộng an sinh xã hội cho khu vực phi chính thức.

Sửa đổi Chương 4 (Điều 25.2) của dự thảo Luật Dân số theo hướng bổ sung các biện pháp can thiệp cụ thể (nhằm ứng phó nạn buôn người, phụ nữ nhập cư, và kinh doanh tình dục) để giảm nhẹ tác động bất lợi lâu dài của tình trạng dân số thừa nam là một trong những điều cơ bản mà WB đưa ra.

Đồng thời, báo cáo của WB cũng khẳng định Việt Nam cần chú trọng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Khi mà tâm lý chuộng con trai ở Việt Nam được duy trì do thực tế các hộ gia đình dựa vào con trai để chăm sóc cha mẹ già và đảm bảo an ninh tài chính.

Nghiên cứu trước đây cho thấy tâm lý coi trọng con trai vẫn tồn tại khi các thể chế kinh tế phi chính thức (cộng đồng và nhất là gia đình) vẫn được coi là lưới an sinh chính để phòng ngừa rất nhiều trường hợp thu nhập bất ổn định, bù đắp tình trạng thiếu hiệu quả của Nhà nước và thị trường.

Do đó, WB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu liên quan đến mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội và ưu tiên cho an sinh xã hội trong các chiến lược phát triển quốc gia.

Một yêu cầu khác là mở rộng bảo hiểm xã hội để bao phủ bộ phận dân số lớn hơn - cụ thể là người lao động ở khu vực phi chính thức, thông qua kết hợp các chương trình có và không có đóng góp, nhằm chống việc làm dễ tổn thương và đảm bảo bao phủ toàn dân.

Ngoài ra, WB cũng cho rằng Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách giới trong độ tuổi nghỉ hưu và từng bước nâng tuổi nghỉ hưu chính thức lên 62 cho cả hai giới để giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh.

Các khuyến nghị của WB cho Việt Nam:

Cải cách qua Luật Dân số:

Nới lỏng những chính sách kiểm soát mức sinh cứng nhắc hiện nay;

Tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền và sức khỏe tình dục và sinh sản;

Ưu tiên những chính sách chống coi trọng con trai nhờ khuyến khích coi trọng con trai và con gái như nhau đồng thời tăng cường đảm bảo an sinh xã hội;

Xử lý những hệ quả lâu dài của lựa chọn giới tính.

Cải cách qua Luật Bảo hiểm xã hội:

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi;

Tăng chi an sinh xã hội;

Mở rộng bảo hiểm xã hội ra khu vực phi chính thức và xử lý vấn đề việc làm dễ tổn thương;

Thu hẹp khoảng cách giới ở độ tuổi nghỉ hưu và từng bước nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi cho cả hai giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp