Xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam

sinh thái Việt nAM
08:27 - 14/06/2023
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái là giải pháp tăng cường bảo tồn thiên nhiên. Ảnh minh họa.
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái là giải pháp tăng cường bảo tồn thiên nhiên. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi năm cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái trên toàn thế giới thu về hơn 36 tỷ USD, UNDP và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng báo cáo và khuyến nghị hình thành cơ chế này ở Việt Nam.

Tại hội thảo kỹ thuật về “Đánh giá và thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam” chiều 13/6, nhóm nghiên cứu của UNDP và Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra một báo cáo, làm cơ sở cho việc xây dựng đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Đồng thời, báo cáo cũng thể hiện nội dung chuẩn bị cho những đề án thí điểm cơ chế chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon đối với hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước.

Cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) đã được công nhận rộng rãi như một công cụ chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên ở hơn 60 quốc gia.

Các chương trình này được áp dụng cho các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau trên phạm vi quốc tế, bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ lưu vực sông, hấp thụ carbon và vẻ đẹp cảnh quan. Tổng số tiền chi trả hàng năm của các chương trình PES trên toàn thế giới trên 36 tỷ USD.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam cho biết, UNDP đã triển khai một số sáng kiến về tài chính bền vững cho đa dạng sinh học, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên, đồng quản lý nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên ở Việt Nam.

Theo ông Lai, mặc dù Việt Nam đã triển khai các sáng kiến "giống như PES" nhưng hiện tại vẫn chưa có chi trả toàn diện cho dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước.

Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng của Việt Nam được triển khai thành công trong hơn một thập kỷ qua, góp phần tăng nguồn lực tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng. Những bài học kinh nghiệm từ chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ sở để nhân rộng cơ chế tương tự cho các hệ sinh thái biển và đất ngập nước.

"Việt Nam cần có những đóng góp thiết thực góp phần thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học cam kết trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu. Những nỗ lực không chỉ đến từ các nhà hoạch định chính sách, mà còn từ các tập đoàn, cá nhân đưa ra sáng kiến thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái giúp cho công cuộc tái tạo, phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái ở Việt Nam”.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam

Tập trung thí điểm ở hệ sinh thái biển và đất ngập nước

Báo cáo của nhóm nghiên cứu của UNDP và Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường đã phân tích kinh nghiệm thực hành tốt về PES ở các nước như Trung Quốc, Đông Phi, khu vực Châu Âu, Costa Rica và gợi ý các mô hình thực tiễn cho Nam.

Báo cáo nhấn mạnh rằng sự thành công của các chương trình PES phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và có thể không phải lúc nào cũng tối ưu hóa chi phí.

“Cơ chế này hoạt động tốt nhất khi các dịch vụ được xác định rõ ràng, những người thụ hưởng được tổ chức tốt và các cộng đồng quản lý đất đai, tài nguyên có khung pháp lý vững chắc”, báo cáo nêu rõ.

Các hệ thống PES chủ yếu tập trung vào các dịch vụ hệ sinh thái/môi trường có giá trị cao đối với người hưởng lợi và chi phí cung cấp dịch vụ thấp. Các dịch vụ đầu nguồn, dịch vụ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thụ carbon và vẻ đẹp cảnh quan là những mục tiêu chính của các chương trình PES trên toàn cầu.

Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị chính, bao gồm xây dựng phương pháp đánh giá dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước, hỗ trợ đánh giá dịch vụ hệ sinh thái ở cấp cơ sở, lập bản đồ hiện trạng dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước ở Việt Nam.

Các khuyến nghị cũng tập trung vào xây dựng hướng dẫn cho cấp tỉnh và cấp cơ sở đề án cơ chế chi trả, thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng biển và đất ngập nước, hoàn thiện chính sách, quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

Tin liên quan

Đọc tiếp