Xây dựng Đồng bằng sông Hồng thành trung tâm kinh tế, tài chính khu vực

CHÍNH SÁCH ĐBSH
14:40 - 29/11/2022
Xây dựng Đồng bằng sông Hồng thành trung tâm kinh tế, tài chính khu vực
0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực.

Sáng 29/11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị.

Trình bày những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30-NQ/TW, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong vùng triển khai Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiếp tục khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực của cả nước.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước.

Kinh tế vùng tăng trưởng khá, chất lượng được cải thiện, bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đô thị phát triển nhanh, tỉ lệ đô thị hoá trên 41%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn. Kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; văn hoá - xã hội được quan tâm phát triển; chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế được nâng lên rõ rệt, dẫn đầu cả nước; nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30-NQ/TW. Ảnh: VGP.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30-NQ/TW. Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm; các địa phương phát triển không đồng đều; phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Công tác quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” khá phổ biến;…

Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Nhiệm vụ phát triển thành phố Nam Định thành đô thị hạt nhân của tiểu vùng nam Đồng bằng sông Hồng và xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn, Quảng Ninh chưa hoàn thành.

Đưa Đồng bằng sông Hồng thành vùng động lực phát triển của cả nước

Ông Trần Tuấn Anh cho biết để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030, Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đưa ra 3 nhóm chỉ tiêu chính với 21 chỉ tiêu cụ thể cho phát triển vùng.

Trong đó, Nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế với 9 chỉ tiêu: Tăng trưởng, quy mô GRDP, cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân, đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng, đóng góp kinh tế số vào GRDP, tỷ lệ đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Nhóm chỉ tiêu về phát triển xã hội với 6 chỉ tiêu và Nhóm chỉ tiêu về bảo vệ môi trường với 6 chỉ tiêu.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh “Đưa vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Như vậy, các chỉ tiêu đặt ra đối với vùng cao hơn so với mức chung của cả nước”.

Tầm nhìn đến năm 2045, vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc…Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 3 trọng tâm là phát triển khoa học công nghệ; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại.

Tin liên quan

Đọc tiếp