19 tập đoàn, tổng công ty thể hiện rõ vai trò nòng cốt của nền kinh tế

CHÍNH PHỦ DOANH NGHIỆP
16:34 - 18/03/2023
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong các doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: PVN
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong các doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: PVN
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt tổng doanh thu 1,6 triệu tỷ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83.167 tỷ đồng, cùng tăng 23% so với 2021; tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 191.781 tỷ đồng, tăng 8%.

Con số được ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) báo cáo tại hội nghị về phát huy hiệu quả hoạt động các tập đoàn, tổng công ty vốn Nhà nước do Thủ tướng chủ trì sáng 18/3.

Ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh, sau 5 năm thành lập Uỷ ban, các doanh nghiệp tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước là phù hợp.

Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư. Nổi bật trong số đó là 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng.

Cũng theo lãnh đạo Uỷ ban, một điểm sáng nữa là thực hiện đầy đủ và có kết quả nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương. Đến nay, đã báo cáo, đề xuất, được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Với kết quả kinh doanh mà 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc Uỷ ban đạt được như trên, ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và nguồn thu lớn cho ngân sách, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban cũng chỉ ra một số điểm cần tập trung khắc phục trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty như: Chưa phát huy hết nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt; năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu...

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn 2016-2021, đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách Nhà nước. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2021.

Theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ, Ủy ban tiếp nhận nguyên trạng 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hoạt động trong 6 ngành quan trọng, có tính chất lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế bao gồm: Năng lượng, tài chính ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và công nghiệp.

Bộ trưởng nhận định, tình hình đầu tư của các doanh nghiệp này cũng đạt được kết quả bước đầu. Trong giai đoạn 2018-2022, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư. Cơ bản hoàn thành xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết quả sản xuất kinh doanh liên tục, ổn định.

Bên cạnh những kết quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ các bất cập. Điển hình là việc triển khai hoạt động đầu tư còn chậm do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Quá trình thực hiện dự án đầu tư phải tham chiếu quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cho quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài. Đây là nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hoạt động đầu tư mới hay mở rộng quy mô để nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Thứ hai là việc người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp còn chưa chủ động chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đổi mới khoa học công nghệ, tham gia vào các dự án đầu tư lớn, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là trình độ quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Về hoạt động của Ủy ban, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện Ủy đang tập trung vào việc xử lý các kiến nghị sự vụ, công việc thường xuyên về tổ chức, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp mà chưa có chiến lược tổng thể đầu tư phát triển cho 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc; chưa thực sự đẩy mạnh công tác đổi mới quản trị và xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá sự phù hợp với từng doanh nghiệp.

"Ủy ban cần tăng cường chức năng phản biện cho các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách, quy hoạch phát triển ngành trung và dài hạn. Hầu hết vẫn đang triển khai các nhiệm vụ được bàn giao từ các cơ quan đại diện chủ sở hữu trước đây. Cách thức tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu cần thay đổi rõ nét hơn nữa", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ý kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp