Áp lực lạm phát toàn cầu và tác động tại châu Á

TÀI CHÍNH Quốc Tế
11:42 - 08/10/2021
Áp lực lạm phát toàn cầu và tác động tại châu Á
0:00 / 0:00
0:00
Nguy cơ Fed thắt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến sẽ đẩy lãi suất đồng USD tăng, gây ra áp lực bán tháo tiền tệ ở nhiều thị trường mới nổi tại châu Á.

Lạm phát kỷ lục trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương lớn rục rịch hành động

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa công bố loạt dữ liệu kinh tế mới, trong đó cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Anh ở hiện mức 3,2% và dự báo sẽ vượt mốc kỷ lục 4% từ nay đến cuối năm. Con số này không chỉ gây bất ngờ cho thị trường mà còn ngụ ý Thống đốc BoE Andrew Bailey có thể đã sai khi đánh giá thấp rủi ro lạm phát ở một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Có nhiều nguyên nhân đẩy lạm phát ở Anh lên mức cao như vậy. Trên thị trường năng lượng, nguồn cung khí đốt toàn cầu thắt chặt đang gây hệ lụy lớn cho quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu nhập khẩu như Anh. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu tại Anh được dự báo sẽ tăng cao khi mùa đông sắp đến.

Quy luật cung cầu nhanh chóng được chứng minh khi giá xăng tại Anh tăng gần 20% từ đầu năm đến nay, tiệm cận mức cao nhất mọi thời đại. Hợp đồng khí đốt giao kỳ hạn của Anh đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong tuần qua, đẩy mức tăng giá khí đốt trong 12 tháng gần nhất lên tới 700%.

Giá khí đốt tại Anh tăng 700% trong vòng 12 tháng (Ảnh: Bloomberg)

Giá khí đốt tại Anh tăng 700% trong vòng 12 tháng (Ảnh: Bloomberg)

Trên thị trường thực phẩm, chỉ số giá lương thực tại Anh cũng tăng 25% trong 12 tháng qua. Hàng loạt chuỗi thực phẩm, đồ ăn nhanh như Greggs Plc dự kiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng lên từ nay đến năm 2022.

Cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Anh thể hiện, khoảng 60% các nhà sản xuất có kế hoạch tăng giá để chuyển một phần áp lực chi phí sản xuất lên vai người tiêu dùng.

Trên thị trường lao động, sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động - đặc biệt sau khi Anh ly khai Liên minh châu Âu (EU) và hạn chế dòng nhập cư nước ngoài - đã gây áp lực thêm cho chuỗi cung ứng vốn trì trệ do đại dịch.

Nhưng Anh không phải quốc gia duy nhất ghi nhận lạm phát tăng vọt do cả hai yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo.

Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng bình quân 4,3% trong 8 tháng đầu năm, mức tăng cao nhất trong khoảng 3 thập kỷ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng dốc đứng từ năm 2020 đến nay (Ảnh: Financial Times)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng dốc đứng từ năm 2020 đến nay (Ảnh: Financial Times)

Tại khu vực đồng Euro, chỉ số đo lường lạm phát tháng Chín cho thấy, mức tăng vọt 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại châu Âu tăng vọt từ đầu năm đến nay, góp phần lớn vào đà tăng của lạm phát (Ảnh: Investing)

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại châu Âu tăng vọt từ đầu năm đến nay, góp phần lớn vào đà tăng của lạm phát (Ảnh: Investing)

Tại Nga, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 đã tăng vọt 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 02/2016, thời điểm nước này đối diện với nguy cơ khủng hoảng kinh tế do giá dầu lao dốc và đồng rúp suy yếu mạnh mẽ.

Dữ liệu của cơ quan thống kê quốc gia Rosstat ghi rõ, giá lương thực tăng bình quân 9,2% trong 12 tháng qua là động lực chính thúc đẩy lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát của Nga (đường màu đỏ) đang trong đà tăng từ năm 2020 đến nay (Ảnh: The Moscow Times)

Tỷ lệ lạm phát của Nga (đường màu đỏ) đang trong đà tăng từ năm 2020 đến nay (Ảnh: The Moscow Times)

Một số nhà quan sát quan ngại nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ “lạm phát đình trệ” (stagflation), tức một hiện tượng kinh tế được đánh dấu bởi tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ lạm phát cao, tương tự những năm 1970.

Đa số các Ngân hàng Trung ương lớn tự tin rằng tình trạng lạm phát tăng đột biến chỉ là vấn đề tạm thời khi nguồn cung tắc nghẽn không đủ đáp ứng nhu cầu bùng nổ sau khi mở cửa kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo lạm phát sẽ trở về mức 2,2% trong năm 2022 trước khi duy trì ở mức 2% trong dài hạn.

Nhưng trước khi bình ổn, đà lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng vọt. Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, bà Kristalina Georgieva gần đây cảnh báo, các quốc gia phát triển có thể chứng kiến lạm phát đạt đỉnh vào những tháng cuối năm 2021 trước khi giảm xuống và duy trì ở khoảng 2% vào giữa năm 2022.

Tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, IMF dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh 6,8% vào cuối năm nay trước khi giảm xuống khoảng 4% vào giữa năm sau.

Cũng theo IMF, trong ngắn hạn, áp lực lạm phát dự kiến liên tục gia tăng trong những tháng tới, qua đó thúc đẩy các Ngân hàng Trung ương đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại, đưa lãi suất tăng nhanh.

Tờ The Moscow Times dự báo tỷ lệ lạm phát tăng cao trong tháng 9 có thể thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, từ 6,75% hiện tại lên 7,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng 10.

BoR là một trong những Ngân hàng Trung ương tích cực nhất thế giới trong việc nâng lãi suất sau khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch. Thống đốc BoR Elvira Nabiullina trong nhiều tháng qua đã liên tục cảnh báo về nguy cơ lạm phát đe dọa đà phục hồi của kinh tế Nga cũng như toàn cầu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tháng Chín đã quyết định giảm tốc độ gói mua trái phiếu trong khuôn khổ chương trình mua tài sản khẩn cấp đại dịch (PEPP).

Tại Mỹ, trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng Chín, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đã báo hiệu sớm rút lại một số biện pháp kích thích, chẳng hạn gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng, trong bối cảnh áp lực lạm phát lên cao.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tiết lộ Ngân hàng Trung ương đã sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, cụ thể là xây dựng lộ trình cắt giảm dần quy mô gói mua tài sản để chấm dứt hẳn chương trình này vào giữa năm sau trước khi bắt đầu tăng lãi suất.

Châu Á chịu tác động

Khi các Ngân hàng Trung ương lớn báo hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ do áp lực lạm phát, thị trường chứng khoán châu Á nhanh chóng phản ứng.

Tính đến ngày 5/10, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng tổng cộng 3,35 tỷ USD giá trị cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán châu Á (Ảnh: Economic Times)

Tính đến ngày 5/10, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng tổng cộng 3,35 tỷ USD giá trị cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán châu Á (Ảnh: Economic Times)

Tờ Reuters chỉ ra, kể từ đầu tháng 10, chứng khoán châu Á bắt đầu chứng kiến hiện tượng dòng vốn ngoại chảy ngược ra ngoài. Tính đến ngày 05/10, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng tổng cộng 3,35 tỷ USD giá trị cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán châu Á; theo số liệu được tổng hợp từ các sàn giao dịch ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Việt Nam.

Điều này đối lập với hồi tháng Chín, khi nhà đầu tư ngoại mua ròng 2,9 tỷ USD cổ phiếu tại các sàn giao dịch châu Á.

Sở dĩ nhà đầu tư ngoại lo lắng như vậy là do khả năng Fed thắt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến sẽ đẩy lãi suất đồng bạc xanh tăng lên, qua đó gây ra áp lực bán tháo với các đồng tiền tệ ở các thị trường mới nổi châu Á. Tình huống này không những gây sức ép cho dòng vốn vào châu Á mà còn tạo bất lợi cho sự ổn định của hệ thống tài chính vĩ mô toàn cầu.

Một nguyên nhân khác làm xói mòn tâm lý đầu tư vào châu Á là do cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc China Evergrande với gánh nặng nợ lên tới hơn 304 tỷ USD (tính đến hết tháng 6/2021 theo báo cáo mới nhất của doanh nghiệp). Nguy cơ China Evergrande sụp đổ được cảnh báo có thể gây hiệu ứng lan tỏa trên toàn thị trường tài chính Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.

Việt Nam: Tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng

Trái ngược với dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế do tác động tiêu cực từ làn sóng dịch mới nhất.

Gần đây nhất, NHNN đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. So với Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn hoãn nợ sẽ được kéo dài đến ngày 30/6/2022, tức thêm nửa năm.

Trước đó, hôm 28/08/2021, NHNN cũng ban hành Quyết định 1349/QĐ-NHNN năm 2021 thay thế Quyết định cũ 1349/QĐ-NHNN năm 2020 về việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam ở mức 0,5%/năm và ngoại tệ ở mức 0%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam được giữ nguyên ở mức 0%/năm, còn bằng ngoại tệ sẽ được điều chỉnh về 0%/năm. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2021.

Trong báo cáo kinh tế mới nhất vào cuối tháng Chín, các nhà kinh tế từ MayBank KimEng gồm TS.Chua Hak Bin và Linda Liu dự báo trong năm nay, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức ổn định 22.600 VND đổi 1 USD vào cuối năm nay./.

Tin liên quan

Đọc tiếp