Bài toán giữ chân 'đại bàng' khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

THUẾ QUỐC HỘI
14:41 - 10/11/2023
Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại tổ.
Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại tổ.
0:00 / 0:00
0:00
Theo các đại biểu Quốc hội, khi áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu thì cũng cần thiết kế các chính sách ưu đãi song song để giữ chân “đại bàng”.

Sáng 10/11, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).

Góp ý khi thảo luận tại Tổ 4 sau đó, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, bày tỏ quan điểm thống nhất với Nghị quyết, vì khi quốc tế đã áp dụng, nếu Việt Nam không tham gia sẽ thiệt thòi. Theo ông, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ngăn chặn tình trạng chuyển lợi nhuận và tăng thu ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên theo ông Lưu, có hai vấn đề đặt ra. Một là chính sách ưu đãi sau khi ban hành chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; bởi khi đó mức thuế bình quân của các nước sẽ bằng nhau, để thu hút đầu tư thì cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi khác như thuê đất, đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng...

Vấn đề thứ hai là cần tính toán xung đột về thuế. Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế cho biết, các dự án đã được tính toán ưu đãi đầu tư, đã được áp dụng các mức thuế ưu đãi trước đây nếu bây giờ điều chỉnh theo mức tối thiểu toàn cầu thì rõ ràng sẽ có xung đột. Vì vậy cần có giải pháp truyền thông, tuyên truyền vận động kịp thời, phù hợp.

Ông Lê Trường Lưu cũng góp ý về tên gọi với quan điểm “luật thuế là không dùng thí điểm, phải đảm bảo ổn định”.

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đồng tình với ý kiến của Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, trước nay việc thu hút đầu tư của Việt Nam dựa vào ưu đãi thuế khá nhiều. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cơ bản ưu đãi về thuế sẽ không còn. Vì vậy, bài toán đặt ra là khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì môi trường thu hút đầu tư sẽ thế nào?

“Bài toán đó phải được giải quyết để tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư đã đến Việt Nam, đã triển khai mà Chính phủ chúng ta đã cam kết các mức ưu đãi. Đáng lý ra hai việc phải đi song hành, rất tiếc là trong quá trình chuẩn bị, vế thứ hai – đảm bảo ưu đãi đầu tư chưa được hoàn thiện. Đây là quả thực là vấn đề khó, cần cân nhắc kỹ và sẽ được báo cáo Quốc hội trong thời gian tới”, ông Toàn nói.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tác động kỹ hơn để thấy rõ khi thực hiện chính sách này mà chưa triển khai chính sách ưu đãi đầu tư thì sẽ tác động như thế nào, và bao giờ thì sẽ hoàn thành. “Đây là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo môi trường đầu tư ổn định”, ông Toàn nêu quan điểm.

Với vấn đề tên gọi, ông Toàn cho biết, với những nghị quyết chưa được quy định trong luật nguyên tắc phải có chữ thí điểm. Tuy nhiên trong điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn chung, thể hiện thiện chí thì có thể không dùng. Về lâu dài thì phải sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo tính chất đồng bộ. Bên phía kia cũng phải sửa một số luật liên quan đến ưu đãi đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, thuế tối thiểu toàn cầu là thách thức nhưng cũng là cơ hội, đặc biệt là với các nước muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện một số nước như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc đã có chính sách kịp thời. Việt Nam cũng tích cực nghiên cứu, nhưng theo ông Nam, các tỉnh cần áp dụng sớm là các tỉnh đang có nguồn FDI lớn như Bắc Ninh, Bình Dương.

Theo ông Nam, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, một số nội dung cần chú ý là: Hệ thống kế toán trong áp dụng thuế cần sớm nghiên cứu để đáp ứng chuẩn quốc tế, các quan điểm về lợi nhuận, doanh thu, chi phí cần đảm bảo tương đồng, có các chính sách bổ trợ để đảm bảo ưu thế cạnh tranh...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.