Biến động quốc tế không làm lỗi thời Chương trình phục hồi phát triển KT-XH

VĨ MÔ Việt nAM
13:23 - 25/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị quốc tế, nhất là tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng quân sự ở Ukraine, giới chuyên gia cho rằng Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội vẫn giữ nguyên được tính cấp thiết.

Sau khoảng 4 tháng bàn thảo và xây dựng, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV vào tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó làm rõ các chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô 347 nghìn tỷ lớn nhất từ trước đến nay.

20 ngày sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ có Nghị quyết 11 để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi. Cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần có công điện khẩn gửi các bộ, ban ngành liên quan thúc giục triển khai Chương trình.

Cả hệ thống chính trị được đặt trong tâm thế khẩn trương, mục tiêu chung là không bỏ lỡ cơ hội phục hồi. Mục tiêu cụ thể là đạt tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 6,5-7%/ năm, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Đồng thời, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Cấp thiết triển khai thực thi Chương trình phục hồi

Tại tọa đàm "Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế 2022- 2023: Tăng tốc tiếp sức doanh nghiệp" sáng 25/3, các chuyên gia đều nhận định trong bối cảnh bất ổn địa chính trị quốc tế, nhất là tác động tiêu cực từ chiến sự ở Ukraine như hiện nay, Chương trình phục hồi vẫn giữ nguyên được giá trị.

Ảnh tác giả

“Bối cảnh hiện tại cho thấy rủi ro cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát đều đang tăng lên. Tuy nhiên, điều đó càng cho thấy tính cấp thiết phải thực hiện Chương trình phục hồi trong năm nay”.

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

Cụ thể, theo TS. Võ Trí Thành, những tính toán mới nhất cho thấy nếu thực hiện tốt Chương trình, mức tăng trưởng kinh tế vẫn có thể giảm nhẹ xuống khoảng 6% so với mức kỳ vọng 6-6,5% đặt ra hồi đầu năm. Ngoài ra, hệ lụy từ các diễn biến địa chính trị quốc tế cũng đang làm tăng áp lực lạm phát, do đó đặt ra yêu cầu phải thực thi nhanh chóng và hiệu quả Chương trình phục hồi để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình với TS. Võ Trí Thành, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết từ quan điểm nhà hoạch định chính sách rằng, Chính phủ khi xây dựng Chương trình đã dự liệu đến những khó khăn và một trong những giải pháp rất quan trọng là kết hợp hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ để dự phòng những biến động vĩ mô.

Ảnh tác giả

“Tôi khẳng định Chương trình còn nguyên giá trị, thậm chí sự hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh này còn trở nên quan trọng hơn, cấp thiết hơn”.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội

“Thách thức lớn hiện nay là tác động từ chiến sự Ukraine, nhưng về cơ bản chiến sự Ukraine cũng dẫn đến 2 tác động tương ứng với dịch COVID-19 là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp... Như vậy rõ ràng Chương trình phục hồi hoàn toàn không lạc hậu mà rất cần thiết vào lúc này, vì các gói hỗ trợ trong Chương trình được thiết kế hoàn toàn để hỗ trợ những khó khăn về chi phí của doanh nghiệp và gián đoạn chuỗi cung ứng”, ông Phan Đức Hiếu đánh giá.

Chẳng hạn, biện pháp giảm thuế VAT không chỉ kích thích tiêu dùng mà còn giúp giảm chi phí doanh nghiệp vì doanh nghiệp cũng chính là một người tiêu dùng, theo ông Phan Đức Hiếu.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cũng đề cập đến tính kịp thời, quyết liệt trong thực thi chính sách để phát huy được hiệu quả cao nhất. Quan điểm thống nhất cho rằng tính kịp thời của việc triển khai chính sách ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của chính sách, vì có một số chính sách nếu không thực hiện kịp thời sẽ làm giảm hoặc thậm chí mất đi mục tiêu ban đầu.

"Ví dụ chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được thiết kế với 2 mục tiêu là chia sẻ khó khăn với người lao động và khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc. Giả sử chúng ta thực hiện ngay lúc đó thì tác động khuyến khích rất lớn, chúng ta thực hiện chậm thì tính chất chia sẻ khó khăn với người lao động vẫn còn nhưng tác động khuyến khích đã ít đi”, ông Hiếu nói thêm.

Vừa thực thi vừa điều chỉnh, đừng để chính sách hỗ trợ trở thành gánh nặng

Tinh thần chung từ Nghị quyết 43 của Quốc hội cho đến Nghị quyết 11 của Chính phủ là thực thi chính sách nhanh chóng, kịp thời nhưng điều chỉnh nếu cần thiết, do Chương trình phục hồi quy mô 347 nghìn tỷ là chưa từng có trong tiền lệ.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc thiết kế chính sách phải đúng, trúng và rõ ràng, minh bạch thông tin để cộng đồng doanh nghiệp họ biết đâu là đối tượng thụ hưởng mà chủ động.

Theo ông Hùng, trong thời gian qua, từ Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương đều có sự chuyển mình tích cực để thích ứng với những thay đổi bối cảnh. Việc Thủ tướng Chính phủ thành lập các tổ công tác để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và các địa phương cũng áp dụng mô hình này là rất đáng khuyến khích, nên duy trì để tạo được sự thông suốt trong công tác tổ chức thực thi.

Ảnh tác giả

“Tổ công tác chúng tôi họp thường xuyên và hoàn toàn không cần đến trực tiếp, chúng tôi họp online suốt thời gian qua. Thậm chí đang họp, nếu có vấn đề gì vướng mắc, sẵn sàng bốc máy gọi điện thoại để giải quyết ngay. Tôi cho rằng cơ chế thực thi linh hoạt như vậy là rất nên duy trì và phát huy”.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu cũng nêu quan điểm việc minh bạch thông tin chính sách là rất quan trọng. Bởi theo ông, nếu thông tin không đồng đều sẽ có tình trạng doanh nghiệp ở địa phương này tiếp cận tốt hơn và được hỗ trợ nhiều hơn doanh nghiệp địa phương khác, dẫn đến khả năng tiếp cận không như nhau tạo ra một sự méo mó trong tiếp cận nguồn lực.

“Nhiều doanh nghiệp rất hoang mang do còn lúng túng trong việc thực thi chính sách, thậm chí không thực thi thì bị phạt. Tôi cho là khi chính sách ban hành trên thực tế, khâu tổ chức thực hiện phải thông suốt theo 4 khâu: thông tin, tư vấn, giải đáp và cách thức thực hiện tránh tạo áp lực”, ông Hiếu phân tích.

Tin liên quan

Đọc tiếp