Black Friday 2023: Đua nhau giảm giá, 'phố mua sắm' vẫn đìu hiu khách

Tiêu dùng HÀ NỘI
07:39 - 24/11/2023
Mặc dù các thương hiệu triển khai nhiều chương trình giảm giá, ưu đãi, lượng khách hàng đến mua sắm dịp Black Friday năm nay vẫn khá ít ỏi. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
Mặc dù các thương hiệu triển khai nhiều chương trình giảm giá, ưu đãi, lượng khách hàng đến mua sắm dịp Black Friday năm nay vẫn khá ít ỏi. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Black Friday năm nay, các thương hiệu tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại lớn để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trái ngược với mức giá hấp dẫn, trên các con phố mua sắm sầm uất của Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà... vẫn chịu cảnh ảm đạm, ít khách.

Black Friday được xem là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm, rơi vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 11. Năm nay, Black Friday rơi vào ngày 25/11. Đây được xem là dịp để các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút người tiêu dùng mua sắm.

Nhiều ưu đãi nhưng sức mua yếu

Mekong ASEAN ghi nhận tại các cửa hàng, trung tâm thương mại ở Hà Nội, hầu hết các mặt hàng đều giảm giá. Tuy nhiên, trên các con phố mua sắm sầm uất như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Thái Hà, Bà Triệu vẫn chịu cảnh ảm đạm, ít khách.

Dù treo biển giảm giá nhưng các con phố thời trang đều vắng vẻ. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Dù treo biển giảm giá nhưng các con phố thời trang đều vắng vẻ. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Chị Mai Hoa, nhân viên một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "So với dịp Black Friday năm ngoái, lượng khách đến mua sắm năm nay gần như không tăng mặc dù cửa hàng đã chạy chương trình giảm giá từ đầu tháng chứ không chờ đến Black Friday. Năm nay, có thể do khó khăn nên dù treo quảng cáo giảm giá 70% nhưng cũng chỉ lác đác khách vào xem".

Không khí mua sắm ảm đạm dịp Black Friday. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Không khí mua sắm ảm đạm dịp Black Friday. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Tương tự, chị Vân Anh, quản lý một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Thái Hà nói, khác với mọi năm, khách hàng đến kín cả cửa hàng từ sáng nhưng năm nay thì ngược lại. Số lượng người đi xem, mua hàng không nhiều do người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng cao.

"Mặc dù đã treo biển giảm giá gần cả tháng nay nhưng mỗi ngày chỉ có hơn chục người đến mua, xem hàng", chị Vân Anh nói thêm.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Thu Quỳnh (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Tranh thủ đợt giảm giá này, mình sắm sửa thêm một số đồ trang trí nhà cửa, vật dụng cá nhân. Mình dự định mua một chiếc vali to để đồ rộng rãi cho gia đình mỗi kỳ du lịch thì lựa được chiếc vali này đang được giảm giá sâu, chỉ còn hơn 700.000 đồng thôi. Mặc dù mua vào dịp giảm giá nhưng cũng không có cảnh xếp hàng".

Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Tranh thủ sau giờ làm, chị Thanh Thảo (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tới một cửa hàng chuyên thời trang trong để lựa chọn cho mình một chiếc áo mặc dịp Giáng sinh cuối năm. Chị bày tỏ rằng, các mặt hàng khuyến mại dịp Black Friday năm nay không thực sự hấp dẫn. "Khoảng một năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với lạm phát tăng cao, các công ty thời trang không còn ra mắt nhiều mẫu mã sản phẩm mới, nổi bật như trước", chị Thảo nói thêm.

Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Anh Văn Tuấn, một nhân viên công sở tại quận Đống Đa cho biết: "Các mặt hàng dù được khuyến mại nhiều nhưng giá vẫn khá cao, một chiếc sơ mi công sở sau khi áp dụng mã giảm, giá vẫn còn hơn 500.000 đồng. Tôi có đi xem cả các cửa hàng khác thấy treo biển chỉ từ 199.000 đồng nhưng hầu hết không có nhiều size hoặc lỗi sản phẩm. Hơn nữa, các thương hiệu cũng ra nhiều chương trình ưu đãi quanh năm nên những người tiêu dùng như tôi không còn tâm lý trông chờ tới dịp Black Friday nữa".

Người dùng chuộng "săn" sale online

Bên cạnh mua trực tiếp ở cửa hàng, nhiều người dùng ưu chuộng mua sắm trực tuyến (online) trên các sàn thương mại điện tử. Khảo sát trên các nền tảng thương mại điện tử cho thấy, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop đang triển khai hàng loạt các chương trình ưu đãi, hỗ trợ khách hàng. Chẳng hạn như chương trình bán hàng 0 đồng vào một khung giờ, ngày nhất định trong tháng khiến người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn trên các nền tảng này.

Chị Hoàng Oanh (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ lý do chị lựa chọn mua hàng trên sàn thương mại điện tử vào dịp Black Friday này là mức giảm giá công bố tại các sàn này hấp dẫn hơn nhiều so với mua trực tiếp.

"Mình thường mua đồ dùng gia đình, quần áo trên Shopee, TikTok Shop vì không những được giảm giá mà còn không mất phí ship hàng. Tính ra giá mua hàng online chỉ bằng 2/3 giá ban đầu thôi", chị Oanh nói.

Xu hướng mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Xu hướng mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Bạn Thanh Vân, sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở Hà Nội lựa chọn mua sắm các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày trên Shopee và Lazada để dễ theo dõi thói quen mua sắm và mức độ chi tiêu hàng tháng. Lợi thế của hình thức này là Vân có thể dễ dàng so sánh giá, không phải đi xa mà vẫn có thể mua được đúng hàng chính hãng với các ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt là vào các ngày sale số đôi.

"Chỉ bằng cách kiểm soát chi tiết danh mục cần mua và tích cực thu thập các mã giảm giá, hoàn xu từ sàn thương mại điện tử cũng như cửa hàng, mình có thể tiết kiệm đến 50% chi phí mua sắm khi so sánh ở cửa hàng bán lẻ vào những dịp như Black Friday này", bạn Vân chia sẻ với Mekong ASEAN.

Nắm bắt được xu hướng mua sắm online, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi, kết hợp bán hàng trực tiếp tại cửa hàng với phát trực tiếp (livestream) trên sàn thương mại điện tử.

Chị Bảo Uyên, chủ một cửa hàng bán phụ kiện, trang sức trên đường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong nước phải đối mặt với lạm phát cao, giá cả leo thang, tình hình kinh doanh của chị không còn khả quan, khách đến mua hàng cũng không còn đông đúc như trước. Đó cũng là lý do thúc đẩy chị thử nghiệm bán hàng qua các kênh thương mại điện tử để thích nghi với sự thay đổi trong hành vi mua sắm của khách hàng.

"Tôi mới thử đăng bài, bày bán các mẫu phụ kiện, trang sức bạc lên trên các sàn thương mại điện tử được hơn 3 tháng. Ban ngày tôi vẫn bán hàng ở cửa hàng như bình thường, đến tối muộn là sẽ lên mạng livestream bán hàng. Từ đó, doanh thu hàng tháng của công ty cũng ổn định hơn trước rất nhiều. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ một buổi tối, lượng khách mua phải gấp đôi so với thông thường, thậm chí có những hôm gấp 4,5 lần", chị Uyên nói thêm.

Đọc tiếp