Ga Hà Nội. Nguồn: Vinpearl. |
Theo đề xuất, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị lập Dự án Cải tạo, sửa chữa nhà ga Hà Nội (tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM), nhà ga Hải Phòng (tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng) và nhà ga Đà Lạt (tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát) nhằm tôn tạo các nhà ga có giá trị lịch sử, văn hóa, đảm bảo an toàn công trình, đồng thời bảo tồn được các công trình kiến trúc có giá trị của đường sắt Việt Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.
Cục Đường sắt cũng đề xuất bố trí khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hoạt động đường sắt để kiểm định đánh giá chất lượng công trình các nhà ga, từ đó có cơ sở đề xuất phương án cải tạo sửa chữa phù hợp.
Về sự cần thiết phải sửa chữa 3 nhà ga này, Cục Đường sắt cho hay, cả 3 nhà ga đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có giá trị lịch sử, văn hóa và có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng, hiện đang có hiện tượng xuống cấp. Trong đó, nhà ga Hà Nội do đã qua nhiều lần cải tạo, nên kết cấu sàn của công trình khá phức tạp. Lớp lát sàn đã xuống cấp và thiếu thẩm mỹ, một số không gian đã xuống cấp đến mức độ không thể sử dụng.
Ga Hà Nội thuộc quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1, tuy nhiên, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án hoặc phương án quy hoạch tổng thể của TP Hà Nội thì nhà ga Hà Nội vẫn được giữ nguyên như hiện tại, bảo tồn công trình có ý nghĩa di tích, lịch sử. Vì vậy, cần sớm có phương án cải tạo sửa chữa ga để đảm bảo an toàn công trình, đồng thời bảo tồn được công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn.
Tương tự, nhà ga Hải Phòng có một số hư hỏng mà xét về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình, do đó cần sửa chữa khắc phục. Bên cạnh đó, hệ thống dầm thép trong kết cấu sàn gạch bị ăn mòn, cá biệt có dầm bị ăn mòn đến 25% tiết diện.
Ga Hải Phòng. Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng. |
Cục Đường sắt Việt Nam nhận định, mặc dù sự xuống cấp của nhà ga Hải Phòng hiện nay chưa có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, nhưng cần sớm thực hiện cải tạo sửa chữa để bảo tồn kiến trúc cổ của nhà ga, đồng thời góp phần kéo dài tuổi thọ công trình.
Với nhà ga Đà Lạt đã qua nhiều quá trình cải tạo, kết cấu sàn của công trình khá phức tạp: sàn gỗ, sàn gạch xây cầu, sàn bê tông cốt thép, sàn chống thép. Lớp lát sàn dù một số phần đã lát lại nhưng đã xuống cấp thiếu thẩm mỹ. Vì vậy, cần sớm có phương án cải tạo sửa chữa bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa.
Ga Đà Lạt. Nguồn: Vinpearl. |
Ga Hà Nội được thực dân Pháp xây dựng, đưa vào khai thác từ năm 1902 với tên gọi là ga Hàng Cỏ. Năm 1925-1926, ga là nơi đưa đón các thanh niên yêu nước đi dự các lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở tại Quảng Châu - Trung Quốc. Ngày 11/6/1929, cờ búa liềm đã được treo trên nóc nhà ga. Tháng 6/1940, chi bộ hoả xa Hà Nội đã được thành lập, đã vận động tuyên truyền cách mạng trên nhiều tuyến đường sắt, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chiều ngày 21/10/1946, sau chuyến thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về trên chuyến tàu hoả từ Hải Phòng. Tại đây đã tổ chức lễ duyệt binh Pháp - Việt đón Hồ Chủ tịch theo nghi lễ ngoại giao quốc tế với đại diện các nước trong phái bộ đồng minh tại Hà Nội. Năm 1976, sau khi ga Hàng Cỏ được chính thức đổi tên thành ga Hà Nội, Chính phủ đã quyết định tổ chức 2 đoàn tàu Thống Nhất, khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ga Hải Phòng được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động ngày 16/6/1902. Đây là một trong 4 nhà ga chính trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, đánh dấu thời kỳ mới trong phát triển giao thông, kết nối hai thành phố lớn của Việt Nam. Ngày 21/10/1946, sau chuyến viếng thăm Pháp và cập bến tại cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhà ga trở về Thủ đô. Tháng 11 cùng năm này, nơi đây đã chứng kiến cuộc chiến đấu dũng cảm của bộ đội và tự vệ nhà ga phá hủy hai xe thiết giáp, một xe tăng và đánh bại nhiều quân Pháp. Năm 1996, ga Hải Phòng được công nhận là di tích kháng chiến. Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Ga được toàn quyền Paul Doumer (toàn quyền Đông Dương năm 1897-1902) phê duyệt và khởi công xây dựng từ năm 1908. Đến năm 1922, Công ty thầu khoán Á Châu được ủy nhiệm nghiên cứu làm đoạn đường xe lửa răng cưa Kroongpha - Dran theo kiểu Thụy Sỹ, với đoạn đường sắt răng cưa dài khoảng 10km, vượt độ cao 1.000m của đèo Sông Pha với độ dốc 12% để đến đất Dran của Lâm Đồng. Sau khi người Pháp rời Việt Nam, việc chạy tàu từ Đà Lạt đi Tháp Chàm vẫn được duy trì. Đến thời Mỹ chiếm đóng, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ việc vận chuyển thiết bị cho chiến tranh nên đã bị quân giải phóng cắt đứt và nhà ga này ngừng hoạt động năm 1972. Sau giải phóng, tuyến đường sắt này được khôi phục và chính thức kéo còi vào ngày 19/5/1975, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. |