Bộ KH&ĐT: 'Cần phản ứng chính sách kịp thời để ổn định kinh tế vĩ mô'

KINH TẾ Việt nAM
15:47 - 18/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, những biến động nhanh chóng và không ngừng của tình hình thế giới đã đặt ra yêu cầu phải có sự phản ứng chính sách kịp thời, có trọng tâm để ổn định được tình hình kinh tế.

Ổn định kinh tế vĩ mô trước tình hình biến chuyển của thế giới

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay cùng với các vấn đề mới xuất hiện năm 2022 như xung đột Nga – Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất…đã khiến tình hình thế giới nhìn chung diễn biến theo chiều hướng phức tạp, kém lạc quan hơn.

Những yếu tố này đã chuyển nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trong trung và dài hạn tại nhiều nền kinh tế lớn. Điều này tạo rất nhiều khó khăn, thách thức trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo; tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức về tăng trưởng, ổn định vĩ mô, các lĩnh vực xã hội, đời sống người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nêu trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh các bên liên quan càng phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời tập trung vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 05 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp vừa phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Chia sẻ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2022 và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Bộ sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế để ổn định và nâng cao đời sống; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

TS.Cấn Văn Lực: Cần có chiến lược, giải pháp cụ thể để nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế Việt Nam

Chia sẻ về giải pháp ổn định tình hình kinh tế trước những biến động từ bên ngoài, TS. Cấn Văn Lực thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia cho biết, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại. Do đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia.

TS. Cấn Văn Lực đưa ra bộ khung phân tích về năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam với 3 nhóm chỉ tiêu: Sức mạnh kinh tế tài chính; Sức mạnh thể chế và quản trị vĩ mô; Môi trường – xã hội. Trong đó ông Lực cho rằng sức mạnh kinh tế tài chính đóng vai trò quan trọng đặc biệt.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP Việt Nam năm 2021 đạt 362,6 tỷ USD, gấp 12,4 lần năm 1988. Mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn 2020- 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song Việt Nam vẫn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN.

Theo World Bank, hiện tại Việt Nam xếp hạng 40/176 thế giới và 14/39 khu vực Châu Á; xếp thứ 6/10 khu vực ASEAN. Đồng thời, theo dự báo của IMF, World Bank và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, với khả năng phục hồi mức tăng trưởng cao 6,5-7% trong giai đoạn 2022-2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 ASEAN về quy mô kinh tế năm 2025 (ước đạt 571 tỷ USD, chỉ sau Indonesia và Thái Lan).

Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam so với khu vực (tháng 6/2022,%).

Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam so với khu vực (tháng 6/2022,%).

Bên cạnh đó là các tiêu chí: GDP bình quân đầu người ở mức trung bình thấp 0,46 điểm; tỷ trọng giá trị gia tăng của nông – lâm – ngư nghiệp/GDP; độ mở nền kinh tế và mức độ tập trung; chất lượng tăng trưởng; mức độ ổn định của chỉ số giá tiêu dùng (CPI)…

Qua các đánh giá về từng cấu phần và nhóm chỉ số tổng thể đưa ra, TS.Cấn Văn Lực cho biết, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình - khá, trong đó các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp.

Theo ông Lực, mức độ ảnh hưởng của các cú sốc đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới, các chỉ tiêu kinh tế - tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn (khả năng chống chịu giảm xuống) nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, TS.Cấn Văn Lực cho rằng cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam và có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp