Bộ Xây dựng: Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả

BẤT ĐỘNG SẢN Việt nAM
16:46 - 13/07/2023
Ảnh minh họa: Thảo Ngân
Ảnh minh họa: Thảo Ngân
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù gặp phải một số khó khăn trong thời gian vừa qua nhưng đại diện Bộ Xây dựng khẳng định xu hướng phát triển bất động sản là tất yếu và thị trường này còn tiềm năng để tiếp tục phát triển.

Tại hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam" sáng 13/7, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải cho biết: "Bất động sản là một trong những thị trường rất quan trọng của nền kinh tế quốc dân, thu hút các nguồn lực và thúc đẩy các thị trường khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, phát triển đô thị, thu hút du lịch…"

Tính trung bình đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách, trong đó ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải.

Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải.

Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định, thời gian vừa qua, thị trường này gặp phải nhiều khó khăn nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển và đây vẫn là kênh đầu tư hiệu quả với những lý do như:

Tốc độ đô thị hoá tại Việt Nam tăng nhanh; tỷ lệ dân cư đô thị sẽ tăng gấp đôi sau 38 năm; nguồn cung bất động sản còn thiếu nhiều so với yêu cầu; Việt Nam đang là điểm đến của các tập đoàn lớn về sản xuất; du lịch tăng trưởng trở lại; đầu tư công; hạ tầng đồng bộ và đặc biệt là Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 để thúc đẩy thị trường bất động sản cân đối cơ cấu nguồn cung.

Hơn nữa, với việc sửa các đạo Luật lớn liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ tạo động lực mới cho thị trường này.

Các điểm mới trong hai dự án Luật liên quan đến bất động sản

Trình bày các điểm mới trong hai dự thảo Luật, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đối với dự thảo Luật Nhà ở, về quy định sở hữu nhà chung cư, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nên không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

Về sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư, đồng thời tiếp thu ý kiến của UBTVQH bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.

Dự thảo cũng bổ sung một số quy định tại các dự án nhà ở xã hội như ưu đãi chủ đầu tư dự án; bổ sung quy định về đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội; giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng.

Bộ Xây dựng đề xuất đối với nhóm chính sách về phát triển nhà ở xã hội quy định tại Chương VI sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; các nội dung khác sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Đối với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản có một số nội dung mới như: Thống nhất quy định các giao dịch kinh doanh nhà ở trong Luật Kinh doanh bất động sản không còn quy định trong Luật Nhà ở để tránh giao thoa, chồng chéo.

Bổ sung quy định cụ thể về kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng trong dự án bất động sản; bổ sung quy định về việc đặt cọc khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản để tăng cường công khai, minh bạch và quản lý hoạt động giao dịch,...

Đánh giá tác động của việc sửa đổi hai đạo luật này đối với thị trường bất động sản, ông Hải khẳng định, việc sửa đổi các luật này góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở đảm bảo cân đối cung - cầu, đa dạng hóa nguồn cung, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng, bất thường, gây lạm phát kinh tế.

Tạo cơ hội cho đa số người dân đặc biệt là người có thu nhập thấp, trung bình tại khu vực đô thị có khả năng tiếp cận nhà ở một cách đa dạng thông qua việc mua, thuê, thuê mua nhà ở phù hợp với khả năng tài chính.

Đồng thời, tạo động lực mới cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, hiệu quả, bền vững, kéo theo các ngành nghề khác phát triển; đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.