Bộ Y tế có văn bản về phòng chống dịch khi có biến thể phụ EG.5 Omicron

EG.5 Omicron COVID-19
21:45 - 14/08/2023
Bộ Y tế có văn bản về phòng chống dịch khi có biến thể phụ EG.5 Omicron
0:00 / 0:00
0:00
Biến thể phụ EG.5 Omicron của virus SARS-CoV thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, và đang lây lan ở nhiều quốc gia. Vì vậy, Bộ Y tế đã có văn bản về việc chủ động phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch bùng phát trở lại.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn từ 10/7 đến 6/8 vừa qua, toàn thế giới có gần 1,5 triệu ca nhiễm mới Covid-19, tăng 80% so với 4 tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca tử vong do Covid-19 lại giảm 57%, còn 2.500 ca, cũng trong giai đoạn này.

Báo cáo này được đưa ra vài ngày sau khi WHO đánh giá biến thể phụ EG.5 Omicron thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, đang lây lan ở nhiều quốc gia và có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm mới.

Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai công tác phòng chống dịch.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa hay Covid-19 ít nguy hiểm hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp