Việt Nam có nhiều tiềm năng thị trường Halal từ nông sản Việt. Ảnh minh họa. |
Số liệu của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM cho biết, thị trường thực phẩm Halal có quy mô lớn phục vụ khoảng 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn như Indonesia, Malaysia.
Tại hội thảo “Thị trường Halal: Khái niệm, tiềm năng và thách thức” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức chiều 13/7, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) nhìn nhận, trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm, việc khai thác những thị trường ngách như Halal sẽ giúp doanh nghiệp bù đắp phần thiếu hụt.
Đánh giá doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường “cửa ngách” này, bà Lý Kim Chi cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế và là nước xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá…
“Nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal. Mặc dù nhu cầu sản phẩm Halal rất lớn nhưng các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhỏ. Số lượng doanh nghiệp Việt có chứng nhận Halal còn ít”, bà Kim Chi nhìn nhận.
Nguyên nhân được Chủ tịch FFA cho rằng xuất phát từ việc để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng.
Bà Lý Kim Chi cho rằng Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.
"Do đó, hợp tác giao thương với Malaysia trong chế biến và xuất khẩu thực phẩm Halal sẽ giúp Việt Nam không chỉ khai thác được thị trường này mà còn mở rộng xuất khẩu sang các nước Hồi giáo đầy tiềm năng cũng như thâm nhập thị trường Halal toàn cầu”.
Malaysia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam
Tán thành ý kiến của Chủ tịch FFA, bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP HCM cho rằng, muốn khai thác hiệu quả thị trường Halal, Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận Halal của riêng mình, song song việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm. Trong số các quốc gia ASEAN, Malaysia đã tiến tới ngành công nghiệp Halal từ nhiều năm trước.
“Nền tảng vững chắc để phát triển ngành thực phẩm Halal ở Malaysia được thực hiện thông qua các hội thảo và giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực tương thích và tiêu chuẩn hóa Halal bởi Ủy ban Halal Malaysia”, bà Wong Chia Chiann nói.
"Để phát triển hệ sinh thái Halal tốt hơn ở Việt Nam trong ngắn hạn, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam đưa các nhân sự /chuyên gia theo đạo Hồi giáo vào tổ chức của họ để phát triển chính sách Halal. Malaysia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Về lâu dài, Tổng lãnh sự quán Malaysia cho biết, nước này sẽ đề xuất xây dựng các nhân sự, chuyên gia trong nước về quy trình chứng nhận Halal, đặc biệt là trong cộng đồng Hồi giáo.
Ông Machdares Samael, Quyền trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP HCM cho biết, Halal đã mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm như sữa, bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, khách sạn...
Đáng chú ý, có những sản phẩm trước đây không phải tuân theo tiêu chuẩn Halal nhưng gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này như thủy sản nuôi, nông sản, trà, cà phê…
“Hiện nay, các tiêu chuẩn Halal ngày càng hoàn thiện, mở rộng ra nhiều nhóm hàng và siết chặt về chất lượng trong đó có các mặt hàng thủy sản nuôi trồng, trà… sẽ tác động ngày càng sâu sắc đến hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam”, ông Machdares Samael nhận định.