Bức tranh tài chính của Tập đoàn Tiến Bộ, sau 'khai tử' dự án nhà ở xã hội

BẤT ĐỘNG SẢN Việt nAM
05:30 - 30/09/2021
Ảnh web Tiến Bộ Group
Ảnh web Tiến Bộ Group
0:00 / 0:00
0:00
Dù doanh thu của  Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ luôn tăng trưởng, tuy nhiên lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm lại lao dốc rất đáng lo ngại.

Dự án nhà ở xã hội bị “khai tử”

Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 26/04/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về tăng cường công tác quản lý các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, kế hoạch kiểm tra các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Năm 2018 dự án TBCO - Riverside của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ có nhiều sai phạm về điều kiện an toàn cháy nổ, sử dụng sai công năng tòa nhà (Ảnh: TL).

Năm 2018 dự án TBCO - Riverside của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ có nhiều sai phạm về điều kiện an toàn cháy nổ, sử dụng sai công năng tòa nhà (Ảnh: TL).

Theo kế hoạch đã ban hành, đoàn kiểm tra đã chia thành 4 tổ, tiến hành rà soát, kiểm tra thực tế tại 114 dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc triển khai thực hiện dự án đầu tư; việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản; thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các nội dung trong triển khai thực hiện dự án.

Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã xem xét, ban hành văn bản chấm dứt hiệu lực quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của 11 dự án.

Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB – sàn HOSE) chủ đầu tư Green City Bắc Giang từng vướng nhiều lùm xùm từ huy động vốn trái phép đến sai phạm chung cư.

Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB – sàn HOSE) chủ đầu tư Green City Bắc Giang từng vướng nhiều lùm xùm từ huy động vốn trái phép đến sai phạm chung cư.

11 dự án này gồm: Dự án siêu thị tổng hợp tại phường Trung Thành của Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên; dự án xây dựng nhà ở xã hội Tiến Bộ tại thị xã Phổ Yên của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ; dự án đầu tư khu dịch vụ Logistic Yên Bình của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Yên Bình.

Bức tranh tài chính

Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (trụ sở tại số 01, đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) là Công ty kinh doanh đa ngành nghề, ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như: Bất động sản, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản xuất quả cầu lông tiêu chuẩn thi đấu, giàn giáo, cốp pha.

Qua các chỉ tiêu, số liệu trên báo cáo tài chính bán niên đã soát xét năm 2021 công bố ngày 14/08/2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ cho thấy, Công ty vẫn đang hoạt động ổn định và có sự trăng trưởng.

Tổng tài sản tăng 53 tỷ, tăng 3,8% so với thời điểm đầu năm, tổng tài sản tăng chủ yếu hình thành do hàng tồn kho tăng đột biến 65 tỷ đạt 146,8 tỷ mức tăng 80% so với đầu năm và các khoản nợ phải thu cũng tăng 75 tỷ so với đầu năm.

Đặc biệt doanh thu bán hàng 6 tháng đầu năm của Công ty đã tăng trưởng cực kì ấn tượng từ 185 tỷ lên gần 397 tỷ, tăng 211 tỷ tương ứng khoảng 114% với tỷ so với cùng kì.

Nhìn vào bức tranh tài chính của TTB Group vẫn có rất nhiều điểm đáng lo ngại. Vốn lưu động thuần (NWC) xuống mức âm xấp xỉ -116 tỷ. Như vậy TTB Group đang sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ cho đầu tư dài hạn, điều này là khá mạo hiểm.

Chưa kể đến trong cơ cấu 897 tỷ nợ phải trả, có 425 tỷ là nợ vay ngắn hạn chiếm 47,4% cơ cấu nợ. Tuy tỷ trọng nợ vay ngắn hạn trong cơ cấu nợ phải trả có giảm so với đầu năm từ 54,1% xuống 47,4%, nhưng vẫn ở mức khá cao vì vậy áp lực về lãi vay không phải là nhỏ.

Hàng tồn kho tăng đột biến trong nửa đầu năm nay chủ yếu dưới dạng hàng hóa chiếm 91% trong cơ cấu hàng tồn kho, có thể do giá cả thị trường biến động, công ty có chiến lược tích trữ hàng tồn kho…

Tuy nhiên, hàng tồn kho lớn kết hợp với khoản phải thu khách hàng tăng nhanh khoảng 45% so với đầu năm cũng là một bài toán để doanh nghiệp tính đến trong thời gian tới nhằm thu hồi vốn, cân đối lại nguồn tiền, đặc biệt khi CFO (dòng tiền từ hoạt động kinh doanh) của TTB Group đang âm 73,2 tỷ.

Một điểm rất đáng lưu ý, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng trưởng rất ấn tượng nhưng lợi nhuận thuần lại rất khiêm tốn. Trong khi doanh thu bán hàng tăng 114% thì lợi nhuận gộp lại giảm 12,7% so với cùng kỳ, dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm từ 5% xuống 2%.

Lợi nhuận sau thuế nhỏ giọt chỉ đạt 660 triệu giảm 1,772 tỷ so với cùng kỳ, làm chỉ số ROS (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu) giảm mạnh từ 1% xuống 0,1%. Đây là tỷ suất lợi nhuận rất khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng ngành với TTB Group.

Nhìn vào biểu đổ kết quả kinh doanh theo từng quý từ quý I/2020 đến hết quý II/2021 cho thấy rõ ràng dù doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận ròng của doanh nghiệp luôn ở mức “siêu mỏng”, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2021 lợi nhuận ròng lao dốc, thấp kỉ lục.

Đây chắc chắn sẽ là bài toán doanh nghiệp cần giải quyết trong thời gian tới để tối ưu chi phí, tăng khả năng sinh lời, đảm bảo tăng trưởng cả về lượng và chất./.

Đọc tiếp