Các ngân hàng lớn đồng loạt tăng phí SMS

TÀI CHÍNH Việt nAM
13:22 - 20/02/2022
Các ngân hàng lớn đồng loạt tăng phí SMS
0:00 / 0:00
0:00
Trong xu hướng đua miễn phí giao dịch online, nhiều ngân hàng đã khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang nhận tin nhắn trên ứng dụng (app), đồng thời tăng phí SMS lên cao sau khi không nhận được quyền lợi từ các nhà mạng.

Ngân hàng tăng phí SMS gấp 3 lần

Bước sang năm 2022, bên cạnh cuộc chạy đua trong xu hướng miễn phí giao dịch online thì nhiều ngân hàng cũng có động thái tăng cước sử dụng tin nhắn SMS. Trong đó, phí SMS Banking của ngân hàng Vietcombank vào tháng 1/2022 tăng "chóng mặt" lên mức 55.000 đồng - 77.000 đồng/tháng, thay vì chỉ 11.000 đồng như trước đó.

Trên thực tế, cuối năm 2021, Vietcombank đã gửi email cho khách hàng, tuyên bố giảm toàn bộ phí dịch vụ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền,… Tuy nhiên, nhà băng này cũng đồng thời tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000 - 77.000 đồng/tháng tùy số lượng tin nhắn.

Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng; từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng. Như vậy, 1 năm, người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 924.000 đồng - một con số không hề nhỏ với người dùng cá nhân.

Rõ ràng, biểu phí này hoàn toàn bất lợi với những người kinh doanh có dòng tiền ra vào thường xuyên sử dụng tài khoản của nhà băng này vì một ngày tiền vào/ra có thể đã lên đến hàng chục bút toán.

Nhưng trên thực tế, không phải mỗi Vietcombank mà một số ngân hàng khác cũng áp dụng cách tính phí như trên

Gần đây nhất là ngân hàng BIDV cũng điều chỉnh phí SMS từ 01/01/2022, trong đó miễn phí với khách hàng sử dụng gói B Free Diamond đến hết 31/12/2022 và tính phí từ 9.000 đến 77.000 đồng/tháng theo số lượng tin nhắn SMS (chưa bao gồm VAT) như Vietcombank.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng áp dụng tăng phí SMS như:

Vietinbank đang áp dụng phí dịch vụ SMS Banking VietinBank là 9.900 đồng/tháng/thuê bao (đã bao gồm VAT). Đây là phí dịch vụ cho gói nhận biến động số dư trong tài khoản với giá trị lớn hơn 10.000 đồng. Nếu muốn nhận tin nhắn thông báo biến động số dư với giá trị từ 1.000 đồng, phí SMS nhà băng này áp dụng là 14.000 đồng/tháng/thuê bao (đã bao gồm VAT).

Agribank đang áp dụng phí SMS là 10.000 đồng/tháng/thuê bao (chưa bao gồm VAT).

ACB áp dụng mức phí SMS là 9.900 đồng/tháng/thuê bao (đã bao gồm thuế VAT).

Mặc dù không tăng phí SMS trong nhiều năm nhưng từ năm 2021, ACB cũng có động thái để giảm bớt chi phí SMS khi không báo tin nhắn SMS với những biến động số dư nhỏ dưới 1 triệu đồng.

Các ngân hàng đang khuyến khích khách hàng nhận thông tin qua qua app để miễn phí và ngân hàng cũng giảm chi phí từ việc thông báo tin nhắn qua SMS.

Các ngân hàng đang khuyến khích khách hàng nhận thông tin qua qua app để miễn phí và ngân hàng cũng giảm chi phí từ việc thông báo tin nhắn qua SMS.

Động thái của các nhà băng qua việc tăng phí SMS

Lý giải về việc tăng phí SMS, đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho biết, việc tăng thu phí SMS Banking nhằm khuyến khích khách hàng nhận thông báo biến động số dư qua app, vừa miễn phí cho khách hàng vừa giảm chi phí cho ngân hàng.

Ngoài ra, hiện nay, việc khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP – mật khẩu giao dịch một lần qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP. Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ tin nhắn SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông.

Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn. Trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 - 350 đồng/tin nhắn - tức mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao gấp ba lần so với tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác. Nếu tính theo số lượng thì các NHTM đang là khách hàng lớn nhất của nhà mạng - họ giống như các nhà phân phối, “mua sỉ” của nhà mạng, thay vì “mua lẻ” như các cá nhân.

Vậy nhưng, thay vì được hưởng ưu đãi đối với khách hàng lớn, họ lại bị áp dụng mức phí gửi tin nhắn SMS cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường. Để cân đối lợi nhuận, dĩ nhiên các ngân hàng cũng phải neo cao, hoặc nâng giá phí dịch vụ tin nhắn SMS Banking, “bổ đầu” vào chính khách hàng sử dụng dịch vụ.

Nếu chỉ tính sơ bộ, một ngân hàng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên trả 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Chia sẻ từ một ngân hàng lớn, trong năm 2021, ngân hàng này chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS, hơn 70% là chi phí cho các tin nhắn thông báo số dư, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiều lần gửi kiến nghị tới các nhà mạng giảm cước phí trong năm qua.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiều lần gửi kiến nghị tới các nhà mạng giảm cước phí trong năm qua.

Thực chất động thái này của các ngân hàng nhằm ứng phó với việc thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) liên tục gửi kiến nghị để các nhà mạng giảm cước phí tin nhắn SMS cho các ngân hàng thương mại nhưng chưa nhận được sự phản hồi.

Tính đến cuối năm 2021, VNBA đã 4 lần có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để kiến nghị giảm mức cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, do tổ chức tín dụng là khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông.

Hiện các tổ chức tín dụng đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng thông tin biến động số dư tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm; thông tin giao dịch chi tiêu thẻ, lịch trả tiền vay/sao kê, mã OTP… Đáng nói, mức cước tin nhắn dịch vụ mà nhà mạng áp dụng cho các ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Hiện một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15-20 triệu tin nhắn/tháng; tổ chức tín dụng quy mô lớn khoảng 50-80 triệu tin nhắn/tháng. Với mức cước rất cao như trên, VNBA cho rằng trong khi những tổ chức tín dụng đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng và buộc phải bù lỗ cho chi phí cước dịch vụ viễn thông, ước tính cả hệ thống tổ chức tín dụng, số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Đọc tiếp