Cần xác định phòng vệ thương mại là xu thế tất yếu trong xuất khẩu gỗ

ĐIỀU TRA Việt nAM
15:26 - 05/08/2022
Cần xác định phòng vệ thương mại là xu thế tất yếu trong xuất khẩu gỗ
0:00 / 0:00
0:00
Những năm gần đây Việt Nam ngày càng đối mặt nhiều hơn với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu, tuy nhiên đây là xu thế tất yếu mà ngành xuất khẩu gỗ cũng như các mặt hàng khác phải đối mặt khi phát triển mạnh mẽ qua từng năm.

Ngày 4/8, Báo Công Thương tổ chức Chương trình Chính sách và Đối thoại với chủ đề “Ngành gỗ sẵn sàng trước xu thế bảo hộ”, nhằm cung cấp thông tin về xu thế phòng vệ thương mại đang ngày càng mạnh mẽ trên thế giới và lời khuyên giúp doanh nghiệp có thể ứng phó phù hợp với các vụ việc phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tương lai.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa có hồi kết, cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành gỗ Việt Nam vẫn duy trì đà tốc độ tăng trưởng rất khả quan trong 2 năm qua. Theo đó nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 8,4 tỷ USD, tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ, tính riêng trong tháng 6, kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD, tăng 2% so với tháng trước.

Tuy nhiên, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đã và đang phải đối diện với các rào cản thương mại, các vụ điều tra phòng vệ thương mại do các thị trường quốc tế đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ. Nguy cơ này được dự đoán sẽ gia tăng trong thời gian tới khi ngành chế biến gỗ Việt Nam tận dụng các FTA đã tham gia, đặc biệt là FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 7 năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bao gồm sản phẩm gỗ là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm tỷ lệ 78%.

Tuy nhiên, theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), về bản chất, những biện pháp phòng vệ thương mại này là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập. Xuất khẩu tăng lên thì tần suất bị điều tra phòng vệ thương mại sẽ tăng lên.

Điều này thể hiện năng lực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng phát triển, đủ sức cạnh tranh và gây sức ép tới ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu, khiến các quốc gia buộc phải sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Dù vậy, đáng lưu ý hiện nay là dấu hiệu tăng lên của số lượng các vụ việc chống lẩn tránh cáo buộc hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính hoặc các hình thức khác nhau, để lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang được áp dụng với một quốc gia, lãnh thổ khác.

Điển hình như ngành gỗ đang phải đối mặt với 2 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại do Mỹ khởi xướng, một là với sản phẩm gỗ dán cứng và hai là với sản phẩm tủ gỗ.

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng do những năm gần đây, Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá và đã trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới. Riêng đồ mộc (như bàn, ghế, giường, tủ) là nhóm có giá trị gia tăng cao thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Do đó, ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, xu hướng tự do hóa thương mại bởi rất nhiều FTA mà Việt Nam đã ký đã khiến các nước phải tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Các nước hiện nay đang có sự điều chỉnh, hoàn thiện, thay đổi về phòng vệ thương mại, với việc điều tra kỹ càng và mở rộng hơn về đối tượng và nguyên nhân điều tra. Theo đó, ngoài biện pháp điều tra chống bán phá giá, các thị trường cũng thường xuyên điều tra chống trợ cấp với cáo buộc hàng hoá nhận trợ cấp tài chính từ Chính phủ để xuất khẩu ra nước ngoài, hoặc điều tra chống lẩn tránh thương mại nếu hàng hóa sử dụng nguyên liệu từ nước ngoài, không qua gia công chế biến sâu.

Ngoài ra, nhiều vụ việc điều tra được các thị trường đưa ra biện pháp kỹ thuật mới, như điều tra tình hình thị trường đặc biệt. Đây là căn cứ để cho cơ quan điều tra không lấy dữ liệu do doanh nghiệp cung cấp mà sử dụng dữ liệu của bên thứ ba. Đồng thời các nước cũng có xu hướng yêu cầu cao hơn đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu yêu cầu, trong thời gian hạn chế. Điều này sẽ gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp.

Ví dụ như vụ việc điều tra của Mỹ về chống bán phá với mật ong Việt Nam, Mỹ đã sử dụng dữ liệu về giá của mật ong Ấn Độ nhập khẩu vào thị trường để so sánh. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên chi phí sản xuất của Việt Nam thấp hơn Ấn Độ, dẫn tới giá mật ong Việt Nam thấp hơn của Ấn Độ 200 USD/tấn. Vì vậy, việc lấy giá mật ong Ấn Độ để đánh giá mật ong Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt.

Trước những vụ điều tra phòng vệ thương mại nói chung, ông Chu Thắng Trung cho rằng doanh nghiệp cần hợp tác tích cực, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho phía quốc gia khởi xướng điều tra, để tự bảo vệ bản thân doanh nghiệp và ngành hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phân tán rủi ro, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh bỏ trứng vào một giỏ. Đồng thời, trong tình hình các nước đang ngày một gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì việc nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nước sẽ là giải pháp lâu dài, bền vững, giúp giảm thiểu được nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán để phục vụ công tác điều tra phòng vệ thương mại cũng như phục vụ việc đăng ký cơ chế tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu đối với các sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài, cho biết hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn rất ít thông tin về phòng vệ thương mại của các thị trường. Vì vậy, nhằm nâng cao nhận thức, huấn luyện kỹ năng cho các doanh nghiệp, thời gian tới, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam mong muốn phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại, Trung tâm WTO để tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để tăng cường nhận thức, kỹ năng phòng vệ, tự vệ của doanh nghiệp về ứng phó với sự cố và những rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Mục đích của các khóa đào tạo trên nhằm tránh để xảy ra những trường hợp các doanh nghiệp vì lúng túng mà không kịp phản hồi nước điều tra dẫn đến bị đưa vào danh sách không hợp tác hoặc không phản hồi, khiến những doanh nghiệp này bị đánh thuế cao hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Hoài cũng mong muốn Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ tại nước ngoài có thể tăng cường các biện pháp phòng vệ, cung cấp thông tin, thông báo và cảnh báo sớm nguy cơ các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng trong nước để có thể ứng phó kịp thời.

Tin liên quan

Đọc tiếp