Cập nhật chính sách tiền tệ thế giới và tác động đến Việt Nam

LÃI SUẤT LẠM PHÁT
08:52 - 05/02/2024
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Giá vận chuyển hàng hóa vận tải container từ các cảng quan trọng nhất ở Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 1/2024. Đây là yếu tố cần chú ý có thể dẫn đến rủi ro lạm phát chi phí đẩy, ảnh hưởng đến chu kỳ hạ lãi suất.

Trong báo cáo tuần 5/2-9/2, Chứng khoán BIDV (BSC) đã có cập nhật và đánh giá tác động về chính sách tiền tệ thế giới.

Tại Mỹ, Fed đã ngừng tăng lãi suất từ cuộc họp tháng 9/2023. Trong cuộc họp mới nhất diễn ra vào ngày 30/1 -31/1/2024, Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,5%.

Trái với dự báo của thị trường, cơ quan này phát tín hiệu chưa sẵn sàng hạ lãi suất trong tháng 3/2024 vì dữ liệu kinh tế gần đây vẫn tích cực, mức tăng việc làm đã chững lại từ đầu năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, đà giảm của lạm phát đang có dấu hiệu chững lại và vẫn ở mức cao so với ngưỡng mục tiêu 2%.

Sau tuyên bố của Fed, thị trường lùi kỳ vọng thời điểm hạ lãi suất của Fed xuống tháng 5 (Goldman Sachs), tháng 5 hoặc tháng 6 (JP Morgan), tháng 6 hoặc tháng 7/2024 (Fitch Ratings).

Tại châu Âu, ECB đã ngừng tăng lãi suất từ cuộc họp tháng 10/2023 và tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 1/2024 với quan điểm điều hành dựa trên các số liệu kinh tế vĩ mô được cập nhật hàng tháng. Tuy nhiên, các quan chức ECB cũng đưa ra quan điểm khá “bồ câu” do lạm phát vẫn đang trên đà giảm và nền kinh tế châu Âu hiện tại đang yếu (GDP quý 4/2023 tăng 0% so với quý trước, sau khi tăng trưởng âm 0,1% trong quý trước đó). Thị trường hiện tại đang kỳ vọng ECB có thể bắt đầu hạ lãi suất trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6/2024.

Tại Anh, BoE đã ngừng nâng lãi suất kể từ tháng 9/2023 và vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức 5,2% trong cuộc họp gần đây nhất ngày 1/2/2024. Tuy nhiên, BoE vẫn giữ quan điểm thận trọng cần giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi xu hướng giảm của lạm phát bền vững hơn, đặc biệt là ở khu vực dịch vụ. Đồng thời, quan điểm điều hành của BoE sẽ được cập nhật theo số liệu kinh tế hàng tháng. Sau quan điểm này, kỳ vọng của thị trường về lần hạ lãi suất đầu tiên của BoE đã chuyển sang nửa cuối năm 2024.

Tại Trung Quốc, PBoC vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhiều lần hạ lãi suất điều hành và hiện tại đang giữ nguyên lãi suất ở mức thấp, Chính phủ nước này đồng thời cũng đưa ra rất nhiều chính sách nới lỏng và những cam kết hỗ trợ để kích thích kinh tế trong nước. Mới đây nhất, PBoC quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10,5% xuống 10% từ ngày 5/2/2024, đồng nghĩa với việc sẽ cung cấp 139,8 tỷ USD vốn dài hạn.

Tuy nhiên, phản ứng của nền kinh tế Trung Quốc đối với những chính sách này còn yếu ớt: Tiêu dùng trong nước tăng trưởng yếu, biểu hiện rõ nhất là tình trạng giảm phát đang kéo dài. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng chưa cho thấy dấu hiệu tích cực khi doanh số bán nhà ở tại đây vẫn đang tăng trưởng âm. Thị trường nước này vẫn đang trông chờ những chính sách nới lỏng hơn nữa.

Đối với khu vực ASEAN 5, ngoại trừ Việt Nam, các nước khác vẫn đang áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tuy nhiên lãi suất điều hành đã cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh. Theo dự báo của các tổ chức tài chính được tổng hợp bởi Bloomberg, các quốc gia đều sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024.

Diễn biến lãi suất điều hành tại các quốc gia.
Diễn biến lãi suất điều hành tại các quốc gia.

Với Việt Nam, BSC nhận định, quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước (SBV) trong năm 2024 vẫn là duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Lạm phát tháng 1/2024 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước do vào dịp cận tết Âm lịch và một loạt hàng hóa được quản lý như giá y tế, giá điện, được điều chỉnh tăng vào cuối năm 2023. Lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 2,7%, tiếp tục trên đà giảm. Nhìn chung, lạm phát trong nước hiện tại vẫn còn dư địa so với mức trần 4,5% trong năm 2024.

Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị tại Trung Đông nói chung hay khu vực Biển Đỏ (tuyến đường kết nối châu Á tới châu Âu, qua Kênh đào Suez và Địa Trung Hải, được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế, đóng góp khoảng hơn 10% thương mại toàn cầu) nói riêng xảy ra trong quý 4/2023 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm tăng cước phí vận tải, nguy cơ gây ra lạm phát chi phí đẩy trên diện rộng.

Chỉ số Containerized freight index- xem xét giá vận chuyển hàng hóa vận tải container từ các cảng quan trọng nhất ở Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 1/2024. Bên cạnh đó, rủi ro khó đoán từ xung đột địa chính trị dẫn đến rủi ro lạm phát chi phí đẩy khiến các ngân hàng trung ương gặp áp lực lớn hơn trong việc bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất trong năm nay, từ đó cũng sẽ gây áp lực cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Chỉ số Containerized freight index.
Chỉ số Containerized freight index.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.