CEO Coin98 Finance, VinBus được vinh danh gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 châu Á

Coin98 VinBus
15:07 - 26/05/2022
CEO Coin98 Finance Nguyễn Thế Vinh và VinBus Nguyễn Văn Thanh.
CEO Coin98 Finance Nguyễn Thế Vinh và VinBus Nguyễn Văn Thanh.
0:00 / 0:00
0:00
Tạp chí Forbes mới công bố danh sách The Forbes Under 30 Asia Class Of 2022 (Những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022). Việt Nam có 5 đại diện, trong đó có CEO của Coin98 Finance, VinBus.

Năm nay, The Forbes Under 30 Asia Class Of 2022 ghi nhận con số kỷ lục 4.000 ứng viên được đề cử cho danh sách. Tuy nhiên, chỉ có 300 cái tên được các phóng viên và giám khảo trong hội đồng thẩm định và đánh giá của Forbes xét duyệt. Trong đó, Ấn Độ đứng đầu về số lượng cá nhân góp mặt với 61 đại diện. Kế tiếp lần lượt là Singapore (34 người), Nhật Bản (33 người), Australia (32 người), Indonesia (30 người) và Trung Quốc (28 người).

Việt Nam góp mặt 5 đại diện là nghệ sĩ xăm hình Trần Thị Bích Ngọc (lĩnh vực nghệ thuật), nhà thiết kế Uyên Trần (nhà sáng lập TômTex, lĩnh vực công nghiệp – sản xuất), Lê Yên Thanh (CEO Phenikaa MaaS, lĩnh vực công nghiệp - sản xuất), Nguyễn Thế Vinh - CEO Coin98 Finance (lĩnh vực tài chính), Nguyễn Văn Thanh (CEO VinBus, lĩnh vực công nghiệp – sản xuất).

Nguyễn Thế Vinh (SN 1992) là đồng sáng lập và CEO của Coin98 Finance, một trong những startup tiên phong và tập trung vào công nghệ blockchain. Anh cũng đang đồng điều hành công ty Kytek và Cyber Network, chuyên gia công phần mềm cho các hệ thống đa lĩnh vực.

Nguyễn Thế Vinh giành học bổng toàn phần 100% Đại học FPT vào năm 2010. Sau đó, anh đảm nhiệm vai trò kỹ sư công nghệ phần mềm tại FPT Software TP HCM. Năm 2017, anh đồng sáng lập và điều hành VIC Group, Cộng đồng nghiên cứu và đầu tư Cryptocurrency lớn nhất Việt Nam 2017. Năm 2019 đồng sáng lập Coin98 Finance (tiền thân là Coin98 Since 2017).

Tháng 1/2020, Coin98 Finance ra mắt Coin98 Wallet, ví tiền mã hóa không lưu ký, hỗ trợ đa blockchain. Chỉ sau một năm ra mắt, Coin98 Wallet thu hút hơn 200.000 người dùng trên toàn cầu trên hơn 20 quốc gia. Riêng trong 3 tuần đầu tháng 4, Coin98 Wallet tích lũy gần 100 triệu USD khối lượng giao dịch trực tiếp thông qua ví.

Coin98 là dự án ghi danh tên tuổi Nguyễn Thế Vinh.

Coin98 là dự án ghi danh tên tuổi Nguyễn Thế Vinh.

Tháng 4/2021, Coin98 hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với sự đầu tư 4 triệu USD từ Alameda Research - quỹ đầu tư lớn của Mỹ. Hai tuần sau, đến lượt Coin98 Labs hoàn thành vòng gọi vốn 1,25 triệu USD với sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn trong giới blockchain, như ParaFi Capital, Multicoin Capital, CoinGecko, Kyber Network...

Ngày 23/7/2021, Coin98, tên mã C98, chính thức đặt chân lên Binance - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - với khối lượng giao dịch 24h lớn kỷ lục trong lịch sử của Binance Launchpad. Một tháng sau, ngày 25/8, mỗi đồng C98 có giá 6,24 USD. Với 185 triệu đồng đang được lưu hành, giá trị vốn hóa thị trường của C98 tương đương 1,15 tỷ USD, đứng thứ 98 trên thị trường tiền mã hóa toàn cầu. Coin98 cũng là dự án liên quan đến tiền mã hóa thứ hai của người Việt đạt giá trị hơn 1 tỷ USD, sau Axie Infinity.

Lê Yên Thanh (SN 1994) quê ở An Giang. Anh tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM). Từ khi là sinh viên, anh đã nghiên cứu và tạo ra ứng dụng BusMap (bản đồ dành cho xe buýt). Tuy nhiên, nhận thức được nguồn lực chưa đủ để tự khởi nghiệp nên sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Yên Thanh đi làm tại startup khác để học hỏi trước, rồi nâng dần độ khó, đảm nhiệm những vai trò chức vụ cao hơn, từ quản lý một nhóm làm công nghệ rồi thành CTO và sau đó là CEO của những startup khác. Anh còn có thời gian thực tập tại Google Mỹ với mức lương 6.000 USD.

Đến tháng 3/2019, Lê Yên Thanh cùng những đồng đội của mình bắt đầu xây dựng lại mô hình kinh doanh cho BusMap để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và kêu gọi đầu tư. Sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Việt Startup Contest tại Nhật Bản, nhà sáng lập BusMap được giám khảo Lê Anh Sơn - Viện Phó Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa chú ý. Sau đó, Tập đoàn Phenikaa của ông Hồ Xuân Năng đã quyết định đầu tư 1,5 triệu USD vào đội ngũ của Lê Yên Thanh, đồng thời BusMap cũng đổi tên thành Phenikaa MaaS.

Lê Yên Thanh - "cha đẻ" của ứng dụng BusMap.

Lê Yên Thanh - "cha đẻ" của ứng dụng BusMap.

Nhận được sự hỗ trợ lớn, công nghệ bản đồ của CEO 9X dần trở thành mô hình kinh doanh mang lại lợi nhuận; được áp dụng vào quản lý xe buýt cho trường học, phát triển thành phố thông minh. Đối với B2B, Phenikaa MaaS đã có những khách hàng lớn như VinBus, Grab cùng một số doanh nghiệp tại Cảng Đà Nẵng, còn mảng B2G có TP HCM và Đà Nẵng. Thậm chí, startup này còn nhận được những hợp đồng từ khu vực Trung Đông.

Trong 2 năm đại dịch Covid-19, Phenikaa MaaS cũng dùng chính công nghệ bản đồ của mình để hỗ trợ triển khai xe buýt bán thực phẩm lưu động và đặc biệt là bản đồ dịch tễ Covid-19.

Nguyễn Văn Thanh (SN 1992), hiện là Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (thuộc Tập đoàn Vingroup). Anh khởi nghiệp công ty may mặc từ khi 18 tuổi; từng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt cao cấp tại các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Cargill Nutrition, Lazada, Tập đoàn Indo-Trans Logistics Việt Nam.

Là một trong những lãnh đạo trẻ nhất tại VinGroup, Nguyễn Văn Thanh gia nhập Vinbus vào năm 2019 và tập trung vào công việc phát triển thương hiệu xe bus điện này. Chính thức vận hành vào cuối năm 2021, VinBus trở thành công ty tiên phong tại Việt Nam đưa phương tiện không phát thải vào giao thông công cộng. Từ Hà Nội, tuyến xe bus điện này đã được mở ở TP HCM và có dự định triển khai tại nhiều thành phố khác. VinBus đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ người dân, đặc biệt là thái độ phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện của đội ngũ tài xế, tiếp viên.

Trần Thị Bích Ngọc (SN 1993) được mọi người gọi là "phù thủy xăm hình” bởi cô tạo được dấu ấn riêng nhờ bàn tay phù phép những vết sẹo trở thành hình xăm ý nghĩa, nghệ thuật cho khách hàng. Mặc dù việc xăm hình vẫn bị coi là điều khá nhạy cảm ở Việt Nam, nhưng cô tin rằng việc che đi những vết sẹo bằng hình xăm nghệ thuật có thể là một phần của quá trình chữa lành, giúp trao quyền cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Từ đó, bắt đầu một chương hạnh phúc hơn trong cuộc đời của họ. Ngọc hoàn thành chương trình Thạc sĩ Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình tại Trường Đại học Sân khấu và Biểu diễn Nghệ thuật Hà Nội vào năm 2022.

Nghệ sĩ xăm hình Trần Thị Bích Ngọc.

Nghệ sĩ xăm hình Trần Thị Bích Ngọc.

Uyên Trần là nhà thiết kế thời trang từng làm việc nhiều năm tại Ralph Lauren, Alexander Wang và Peter Do. Mục tiêu của cô là tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường dựa trên cơ sở không chất thải và không ô nhiễm. Vì vậy, cô đã phát triển một loại vật liệu sinh học mềm dẻo có tên là TômTex - loại da thay thế được làm từ chất thải thực phẩm có thể được in nổi với nhiều loại hoa văn để tái tạo da động vật.

TômTex là vật liệu 100% sinh học, được tạo ra từ chất thải vỏ hải sản hoặc nấm. TômTex sử dụng chất tạo màng sinh học gọi là chitin mà công ty chiết xuất từ vỏ tôm, cua và tôm hùm phế thải cũng như vảy cá do các nhà cung cấp ở Việt Nam thu gom. TômTex đã giành được Giải thưởng Sáng tạo LVMH, Giải thưởng Sáng tạo CFDA k11 và Giải thưởng Phát triển Ý tưởng và huy động được 1,7 triệu USD. Uyên có bằng thạc sĩ tại Trường Thiết kế Parson, New York.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.