Châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga như thế nào

Châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga như thế nào

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
07:51 - 26/02/2022
Hành động quân sự của Nga tại Ukraine đang khiến Mỹ cùng Châu Âu tung ra nhiều đòn trừng phạt Moscow, nhưng vẫn phải dè chừng do nguy cơ gây ra những gián đoạn nghiêm trọng tới thị trường năng lượng Châu Âu vốn phụ thuộc nặng nề vào dầu khí Nga.

Một trong những "vũ khí" hữu hiệu Nga đối phó với châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt chính là khí đốt. Trong đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa hạn chế xuất khẩu năng lượng. Mỹ đang cố gắng chuyển hướng nguồn cung cấp năng lượng cho Châu Âu, nhưng theo các chuyên gia, bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ dẫn tới một cái giá đắt.

Tình hình thị trường năng lượng hiện tại của Nga

Nga là một gã khổng lồ năng lượng toàn cầu với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới và nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới. Nhiên liệu hóa thạch đang chiếm 14% sản lượng kinh tế của Nga và doanh thu từ lĩnh vực này chiếm tới hơn 40% ngân sách liên bang.

Trong những năm gần đây, Nga đã sử dụng nguồn thu từ ngành năng lượng để tích lũy khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Vào năm 2021, Điện Kremlin đã có thể cân đối ngân sách của mình với kỳ vọng giá dầu tương đối thấp ở mức 45 USD/thùng, trong khi giá trung bình trên thế giới là 70 USD / thùng.

Cách tiếp cận này theo nhận định của nhà sử học kinh tế Adam Tooze là thứ đã giúp ông Putin bảo vệ chính phủ của mình khỏi tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Đây cũng là "quân bài" để Nga chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu sau khi thực hiện hành động quân sự vào Ukraine những ngày qua.

Thêm vào đó, phần lớn sản lượng năng lượng của Nga được sử dụng để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của Châu Âu, đặc biệt là khí đốt tự nhiên thông qua một mạng lưới đường ống xây dựng từ thời Liên Xô còn tồn tại. Mạng lưới này chạy xuyên qua Ukraine và các nước khác trong khu vực Đông Âu.

Trong những năm gần đây, Nga cũng đã tìm cách xây dựng các đường ống mới gồm cả đường ống Nord Stream 2 gây tranh cãi, nhằm tìm ra cách thoát khỏi mạng lưới cũ. Nước này cũng đã phê duyệt việc xây dựng một đường ống khí đốt mới dẫn tới Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh số tại đây vẫn chỉ chiếm một phần khiêm tốn so với doanh số của Châu Âu.

Châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga

Sự phụ thuộc này trên thực tế tới từ cả hai bên khi Nga phụ thuộc vào nguồn thu từ Châu Âu, trong khi ngược lại Châu Âu cần năng lượng từ Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích nhìn nhận rằng sự phụ thuộc của Châu Âu đồng nghĩa với việc các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga có khả năng cao sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung năng lượng cho các quốc gia trong khu vực này. Theo đó, sự phụ thuộc thậm chí còn có thể gia tăng hơn nữa trong bối cảnh Đức và các nước khác đang có kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân và điện than.

Nga cung cấp tới 1/3 lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ tại Châu Âu - nguồn năng lượng thiết yếu được sử dụng trong sản xuất công nghiệp, phát điện cũng như sưởi ấm vào mùa đông. Liên minh Châu Âu (EU) cũng nhập khẩu tới hơn 25% lượng dầu thô từ Nga – nguồn năng lượng lớn nhất của khối.

Ngoài ra, một số quốc gia trong EU lại có sự phụ thuộc nhiều hơn những quốc gia khác. Cụ thể, trong khi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha không sử dụng nhiều năng lượng từ Nga thì Đức - nền kinh tế lớn nhất Châu Âu - lại sử dụng hơn 50% lượng khí đốt và hơn 30% nguồn cung dầu thô từ Nga. Tuy Pháp sử dụng điện hạt nhân là chủ yếu, quốc gia này cũng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Vai trò của đường ống Nord Stream 2

Nord Stream 2 (NS2) là công trình mở rộng của đường ống dẫn khí Nord Stream cũ - một mạng lưới được hoàn thành vào năm 2011 nhằm mang khí đốt từ vùng Tây Bắc nước Nga tới Đức, trực tiếp đi qua biển Baltic.

Vào năm 2018, NS2 đã được chính phủ Đức phê duyệt và quá trình xây dựng được hoàn thành chính thức hồi tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, việc ra mắt công trình này đã không thuận lợi khi gặp phải nhiều sự chậm trễ trong phê duyệt và sự giám sát chặt chẽ trong bối cảnh căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng giữa phương Tây và Nga.

Với NS2, Nga sẽ có thể xuất khẩu nhiều khí đốt sang Đức hơn mà không cần phải đi qua các quốc gia trung chuyển và Ukraine như hiện tại. Việc này đã gây ra nhiều tranh cãi ngay từ đầu và khiến nhiều quốc gia gồm Mỹ đưa ra cảnh báo đường ống này sẽ cho phép Nga có nhiều quyền quyết định hơn lên các nước châu Âu.

Nó cũng có khả năng sẽ làm gia tăng sự chia rẽ chính trị và tạo ra thêm các hạn chế trong các cách đối phó với các động thái quân sự gia tăng của Nga. Trong khi đó, các nước Đông Âu như Ba Lan và Ukraine lại lo ngại rằng NS2 sẽ tước đi hàng tỷ USD doanh thu từ phí vận chuyển hàng năm của mình và khiến các nước này chịu ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn từ Nga.

Đối với nhiều chuyên gia, các mối quan ngại này một lần nữa gia tăng vào cuối năm 2021, khi Nga từ chối đẩy mạnh nguồn cung khí đốt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng đột biến. Điều này đã khiến giá năng lượng tại Châu Âu bị nhảy vọt tới 3 lần và gây ra nguy cơ thiếu hụt khắp khu vực này. Đối với Pháp, sự kiện này càng làm vững chắc thêm xu hướng sử dụng điện hạt nhân của quốc gia này.

Tương lai đang chờ đợi phía trước cho các bên

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Châu Âu đặc biệt lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung trên diện rộng, trong bối cảnh Nga tăng cường các động thái quân sự tại Ukraine. Sau khi Nga công nhận độc lập của các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine hồi đầu tuần này, chính phủ Đức đã tạm dừng quá trình cấp phép cho NS2. Trước đó, nước này cũng từng phát biểu có thể hủy bỏ hoàn toàn dự án.

Hiện thách thức đang đè nặng lên Châu Âu là làm thế nào để duy trì được nguồn cung năng lượng trong khi thành công áp được các lệnh trừng phạt lên Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ áp dụng các hình phạt khiến Nga phải chịu một “mức thiệt hại nghiêm trọng”. Một trong các biện pháp đó chính là loại bỏ hoàn toàn các ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Các nước phương Tây cũng đã chuẩn bị và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với động thái công nhận phe ly khai và hành động quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, nếu ông Putin đáp trả lại bằng việc cắt bỏ xuất khẩu khí đốt, điều này có khả năng rất lớn sẽ càng đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và làm suy yếu sự phục hồi kinh tế Châu Âu.

Hiện các nỗ lực nhằm hỗ trợ cho nhu cầu năng lượng của Châu Âu đang được gấp rút triển khai. Châu Âu đang sở hữu lượng khí tồn kho khoảng một tháng có thể sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, các nhà cung cấp thương mại cũng nắm giữ trữ lượng khoảng 9 tuần cho nhu cầu thông thường.

Nhà Trắng cũng đang trong quá trình tăng cường các nỗ lực gom nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bổ sung cho Châu Âu. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật Bản cũng đã từng được cung cấp năng lượng theo cách tiếp cận tương tự như thế này.

Trong trường hợp Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung, Châu Âu vẫn có thể tìm ra cách khi các nhà sản xuất chuyển hướng một số lô hàng LNG hoặc chuyển đổi việc sử dụng năng lượng sang than và các nguồn khác. Tuy nhiên theo các chuyên gia và các nhà phân tích, dù các phương pháp này có thể giải quyết cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn, chi phí vẫn là rất lớn.

Chuyên gia năng lượng tại Đại học Tufts Amy Myers Jaffe nhận định: “Bất kỳ sự chuyển dịch nguồn cung nào cũng sẽ có chi phí cao hơn và khiến người tiêu dùng Châu Âu phải gánh chịu các hóa đơn thậm chí còn khổng lồ hơn nữa”.

Đọc tiếp