Cho thuê tài chính - kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn 'bỏ ngỏ'

TÀI CHÍNH Việt nAM
06:20 - 21/04/2022
Ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST
Ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST
0:00 / 0:00
0:00
Cho thuê tài chính là một kênh dẫn vốn hấp dẫn và phát triển tại nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam thì thị trường này vẫn chưa thực sự được biết đến và phát triển như kỳ vọng.

Cho thuê tài chính được xem như "cánh cửa" mở ra cơ hội huy động vốn trung - dài hạn cho doanh nghiệp; trong đó nguồn vốn được tài trợ có thể lên tới 90%, thậm chí 100% giá trị tài sản thuê mà không yêu cầu tài sản bảo đảm.

Mặc dù tiềm năng phát triển của mô hình này đang hiện hữu, nhưng số lượng và quy mô hoạt động của các công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, với tổng dư nợ cho thuê khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm 0,3% toàn thị trường.

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thiều Sơn – Tổng giám đốc BIDV-SuMi TRUST (BSL), một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực hoạt động này tại Việt Nam.

Mekong ASEAN: Hoạt động cho thuê tài chính tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Hiện nay có 10 công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam, bao gồm sáu công ty Việt Nam, một công ty liên doanh (BSL) và ba công ty 100% vốn nước ngoài.

Tổng dư nợ cho thuê tài chính của các công ty này khoảng 30.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất khiêm tốn so với quy mô tín dụng của cả nền kinh tế. Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng dự nợ tín dụng của nền kinh tế vào khoảng 10 triệu tỷ đồng, cho thuê tài chính chỉ chiếm 0,3%.

Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, doanh số cho thuê tài chính hàng năm đạt khoảng 4-5 nghìn tỷ Yên (tương đương 750 – 950 nghìn tỷ đồng) với khoảng 230 công ty trong lĩnh vực này đang hoạt động. Đặc biệt có tới hơn 90% doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính.

Do đó, có thể nói cho thuê tài chính cũng đóng góp một phần quan trọng trong nền kinh tế cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Mekong ASEAN: Số lượng công ty đang hoạt động khá khiêm tốn dù lĩnh vực này đã phát triển tại Việt Nam tới hơn 20 năm, lý do vì sao chưa phát triển thưa ông?

Đây đúng là một nghịch lý, dù 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng chính là đối tượng khách hàng phù hợp nhất với dịch vụ cho thuê tài chính, nhưng thị trường cho thuê tài chính Việt Nam vẫn chưa thực sự được biết đến và phát triển như kỳ vọng.

Hiện nay, khi có nhu cầu đầu tư trung và dài hạn doanh nghiệp vẫn chủ yếu đến từ kênh tín dụng ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu và những kênh huy động khác.

Theo tôi, lý do nằm ở một số vấn đề sau.

Thứ nhất, hầu như doanh nghiệp Việt nam chưa biết, chưa hiểu về dịch vụ thuê tài chính.

Thứ hai, dịch vụ ngân hàng rất quen thuộc với khách hàng và ngân hàng cũng sẵn sàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp với những nhu cầu đa dạng, đặc thù của khách hàng.

Thứ ba, văn hóa “sở hữu” của người Việt nam vẫn còn cao, mọi người thường mong muốn được đứng tên sở hữu tài sản về mặt pháp lý;

Tôi cho rằng, nếu thị trường cho thuê tài chính của Việt Nam phát triển dựa trên kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, cho thuê tài chính sẽ trở thành một kênh cung cấp vốn trung và dài hạn rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Vậy khó khăn đến từ thói quen đi tìm vốn của doanh nghiệp hay còn những khó khăn gì khác thưa ông?

Bên cạnh đó còn có những những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, một số quy định pháp lý còn chưa đồng bộ, nhất quán và thông thoáng để tạo điều kiện cho hoạt động cho thuê tài chính.

Dù dư địa phát triển còn rất tiềm năng, tuy nhiên quy mô hoạt động của các công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam còn hạn chế bởi nguyên nhân cơ bản nữa đó là vấn đề vốn. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các công ty cho thuê tài chính là tổ chức tín dụng nên chỉ được nhận tiền gửi hoặc vay vốn từ các ngân hàng thương mại với kỳ hạn dưới 365 ngày. Trong điều kiện mới phát triển nên các công ty cho thuê tài chính chưa thể chủ động huy động các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu. Trong khi đó, các công ty này lại tài trợ vốn trung - dài hạn nên nguồn vốn phần nào bị giới hạn.

Bên cạnh đó, kinh doanh “độc canh” trong lĩnh vực tín dụng, cho thuê tài chính cũng không tránh khỏi những rủi ro. Rủi ro khách quan đến từ thị trường biến động ảnh hưởng tới kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đến từ chính tài sản cho thuê khi những tài sản này đều là tài sản lưu động nên việc quản lý cũng không dễ dàng.

Đặc biệt, chưa có thị trường mua bán lại tài sản chính thức cũng là một trong những khó khăn cho công ty cho thuê tài chính khi xử lý nợ. Từ những rủi ro thị trường và những rủi ro đơn lẻ, hình ảnh, uy tín chung của lĩnh vực cho thuê tài chính đã bị ảnh hưởng phần nào.

Ông có thể phân tích ưu thế nổi trội của dịch vụ cho thuê tài chính so với các hình thức vay vốn khác?

Cho thuê tài chính là hình thức cấp tín dụng trung dài hạn trực tiếp bằng máy móc, thiết bị và đối tượng phù hợp nhất tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có những điểm tối ưu cho nhu cầu của đối tượng này.

Đối với những doanh nghiệp không đủ tài sản đảm bảo đáp ứng yêu cầu ngân hàng, hoặc đã hết hạn mức tín dụng tại ngân hàng, cho thuê tài chính là kênh phù hợp với khách hàng và có những ưu thế sau: một là, tỷ lệ tài trợ khá cao (thông thường là 70% giá trị tài sản, tối đa 100% với một số loại máy móc thiết bị nhất định); hai là, cho phép doanh nghiệp không cần có tài sản thế chấp mà dùng chính tài sản đi thuê làm tài sản bảo đảm; ba là, thời hạn cho thuê dài và linh hoạt từ 3, 5 đến 10 năm để quay vòng vốn sản xuất.

Bên cạnh đó, một hợp đồng cho thuê tài chính đưa ra một lộ trình thanh toán với nhiều phương án linh hoạt để khách hàng có thể chủ động trong phương án kinh doanh của mình.

BSL hiện có chương trình gì tiếp sức vốn cho doanh nghiệp hay không?

BSL là liên doanh giữa hai định chế tài chính hàng đầu Việt Nam - Nhật Bản, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TNHH Tín thác Sumitomo Mitsui (Sumitomo Mitsui Trust Bank-SMTB). Chúng tôi coi đây là một bàn đạp vững chắc để xây dựng một công ty cho thuê tài chính hàng đầu tại Việt Nam.

BSL bám sát mục tiêu “Đưa xã hội Việt Nam phát triển bền vững hơn và thịnh vượng hơn thông qua sức mạnh của cho thuê tài chính” và củng cố tầm nhìn trở thành “Đối tác tin cậy” trên thị trường cho thuê tài chính Việt Nam. Ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc
Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST

Trong 5 năm vừa qua, với kinh nghiệm từ thị trường Nhật Bản cùng với việc tìm hiểu tập quán tại Việt nam, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, sáng tạo để cải tiến các sản phẩm, dịch vụ để có các sản phẩm tài chính đa dạng, kịp thời đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng lớn, giúp các đối tác nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội kinh doanh.

Đồng thời, chúng tôi cũng đã nhận thấy sự chuyển biến tích cực trên thị trường Việt Nam. Nhận thức của doanh nghiệp về dịch vụ cho thuê tài chính đã được cải thiện đáng kể. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, biết đến, sử dụng và đánh giá cao dịch vụ cho thuê tài chính nói chung cũng như dịch vụ của công ty BSL nói riêng.

Hiện tại, chúng tôi tập trung đẩy mạnh chiến lược số hóa và đổi mới trong hệ thống quản trị song hành với mở rộng hoạt động kinh doanh với nhiều sản phẩm tài chính phù hợp hơn nữa cho nhu cầu tín dụng trung - dài hạn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính khác để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thông qua hoạt động huy động vốn, mở ra các kênh thu xếp vốn và các nguồn lực dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp