Chứng khoán APEC có trụ sở tại tầng 3 tòa nhà Grand Plaza số 117 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội. Ảnh minh họa: APEC Group |
CTCP Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC – HNX: APS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024, ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 155 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm phần lớn cơ cấu, với 148 tỷ đồng, bao gồm 7,35 tỷ đồng lãi bán các tài sản tài chính và 141 tỷ đồng chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính.
Trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh, chi phí hoạt động trong kỳ thu hẹp 45% về 116 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lỗ FVTPL. Khấu trừ thuế phí, công ty báo lãi sau thuế 27 tỷ đồng, tăng 69% so với quý 2/2023.
Theo APEC, kết quả kinh doanh đi lên nhờ biến động tích cực của thị trường chứng khoán. Tài sản tài chính đang nắm giữ bị đánh giá giảm trong quý 2/2023 đã khởi sắc trong quý 2/2024. Đây cũng là quý lãi thứ hai liên tiếp của APS.
Trước đó, APS báo lỗ sau thuế 180 tỷ đồng trong năm 2023 và 449 tỷ đồng trong năm 2023, đẩy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối về thành khoản lỗ 65,36 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động giảm một nửa so với cùng kỳ về 179 tỷ đồng. Tuy nhiên lãi sau thuế ghi nhận 35 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều con số lỗ 137 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6/2024 giảm về mức 30 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 2/2024, APS sở hữu quy mô tài sản 828 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Ở mảng tự doanh, giá trị thị trường khoản FVTPL cuối kỳ ghi nhận 472 tỷ đồng, ước lỗ 29,5%, tương đương 198 tỷ đồng so với giá gốc. Mức lỗ này đã cải thiện so với đầu năm là 227 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục vẫn bao gồm API (80,4 tỷ đồng), IDJ (110,1 tỷ đồng), CSC (27,1 tỷ đồng), TNH (33,2 tỷ đồng), APEC Group (130 tỷ đồng), APEC Finance (30 tỷ đồng). Riêng 6 khoản đầu tư này chiếm 87% danh mục.
Cho vay margin cuối kỳ đạt 149 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 3% và 10% so với thời điểm 3 tháng và 6 tháng trước.