Chứng khoán MBS: Ngân hàng VPBank có nhiều khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận

TÀI CHÍNH Việt nAM
16:59 - 03/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Chứng khoán MB (MBS) nhận định Ngân hàng TMCP VPBank hoàn toàn có cơ sở đạt mức lợi nhuận trước thuế dự kiến 2022 là 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với thực hiện 2021 và mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 35%.

Trong đó, MBS dự báo trong năm 2022 Tổ chức tài chính sẽ có đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh chung của VP Bank, khi các khoản nợ của người đi vay dần được cải thiện, nhu cầu tín dụng cũng sẽ được nâng cao khi nền kinh tế đã dần hồi phục trong năm nay.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của Công ty Tài chính FE Credit cho thấy, tăng trưởng tín dụng tại tổ chức này đóng góp gần 20% và danh mục hợp nhất của ngân hàng, mức lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt hơn 600 tỷ đồng, gấp 1,5 lần lợi nhuận cả năm 2021, đóng góp 6% trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng.

Theo MBS, sự phục hồi từ nền kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng từ người dân được đẩy mạnh sẽ kéo theo sự phục hồi của FE Credit nói riêng cũng như tăng trưởng của VPBank nói chung. "Chúng tôi hy vọng NIM hợp nhất sẽ tiếp tục cải thiện, đạt mức 8,5% và chi phí vốn tăng nhẹ lên mức 4,17% trong 2022," chuyên gia MBS kỳ vọng.

Thu nhập ngoài lãi và thu nhập từ phí đạt mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ cho thấy các hoạt động kinh doanh hiệu quả, cùng với hệ số CIR thấp kỷ lục (23,4%) do khoản thu nhập từ phí hỗ trợ hợp đồng bancassurance. MBS kỳ vọng rằng chi phí hoạt động trong năm nay sẽ tiếp tục gia tăng và CIR đạt mức 24,5%, tiếp tục số hóa và tự động hóa để tối ưu CIR, đẩy mạnh kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chốt quý I/2022, VPBank báo lãi trước thuế ở tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 11.146 tỷ đồng, hoàn thành 37,6% kế hoạch cả năm. Đây là mức lợi nhuận cao nhất theo quý mà ngân hàng này từng đạt được từ trước tới nay. Quy mô vốn chủ sở hữu hơn 95.000 tỷ đồng, tăng 70%. Tăng trưởng tín dụng 10,3%, cao gấp đôi so với trung bình ngành.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm 2021. Ngoài ra, tổng tài sản năm 2022 tăng 27% lên 697.413 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 28% lên 413.060 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 35% lên 518.440 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng dự kiến phương án tăng vốn điều lệ thành hai đợt. Đợt một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.

Ở đợt tăng vốn thứ hai, VPBank sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ. Nếu hoàn thành đợt tăng vốn thứ hai, vốn điều lệ sẽ tăng lên 79.334 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn năm 2022 bao gồm phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngoài ra, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa 30% lợi nhuận sau thuế vào đại hội đồng cổ đông năm sau.

Tin liên quan

Đọc tiếp