Chứng khoán tuần tới: Các tín hiệu tạo đáy ngắn hạn chưa đủ tin cậy

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
06:55 - 13/11/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Sự phục hồi kỹ thuật tại phiên giao dịch cuối tuần đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo của nhà đầu tư, nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp. Các tín hiệu tạo đáy ngắn cũng chưa đủ tin cậy.

VN-Index ghi nhận 2 phiên giảm điểm và 3 phiên tăng điểm xen kẽ nhau trong tuần qua. Tuy nhiên đáng chú ý nhất là phiên giảm điểm mạnh hôm thứ Năm (10/11) với mức giảm gần 40 điểm và 170 cổ phiếu giảm sàn trên HSX, cũng đồng thời là phiên tạo nên xu hướng chính của của tuần giao dịch này.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 42,62 điểm (-4,3%) xuống 954,53 điểm, HNX-Index giảm 14,75 điểm (-7,2%) xuống 189,81 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 0,6% so với tuần trước đó xuống 52.702 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 15,1% so với tuần trước đó lên 4.534 tỷ đồng.

Khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh trên 2 sàn với giá trị ròng đạt 4.472 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, KDH là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 26,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là POW VND với lần lượt 17,6 triệu cổ phiếu và 17,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, HSG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 4,4 triệu cổ phiếu.

Xét theo mức độ đóng góp, NVL, HPG, EIB, TCB, MBB là những mã có tác động tiêu cực nhất. Riêng NVL khiến chỉ số mất hơn 8,2 điểm, dẫn đầu cả sàn về mức kéo giảm. HPG xếp thứ 2 chỉ làm mất gần 3,3 điểm. Tính đến hết phiên 11/11, cổ phiếu NVL đã có chuỗi 7 phiên giảm sàn liên tiếp, qua đó mất đi gần 40% thị giá, lùi về mốc 41.850 đồng/cp.

Cùng với NVL, PDR cũng trải qua 7 phiên nằm sàn liên tiếp, thị giá lùi về 26.200 đồng/cp. Trong tuần qua, nhiều cổ phiếu bất động sản và xây dựng khác cũng giảm sâu như DIG (-29,8%), IDC (-19,9%), KBC (-11,5%), DXG (-22,1%), VCG (-14%), HUT (- 21,9%), PTB (-19,9%), IJC (-19,4%), VGC (-15,7%)...

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 12,8% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân do ngành con thép giảm mạnh với các đại diện như HPG (-16%), HSG (-27%), NKG (-29,9%)... Ngành con hóa chất cũng giảm đáng kể với DGC (- 13,5%), DPM (-2,7%), DCM (-2,4%)...

Các ngành còn lại đều giảm như dịch vụ tiêu dùng (-5,1%), dược phẩm và y tế (-3,5%), dầu khí (-3,1%), ngân hàng (- 1,7%), hàng tiêu dùng (-1,1%), công nghệ thông tin (- 0,6%). Chỉ có ngành tiện ích cộng đồng là tăng nhẹ với 0,6% giá trị vốn hóa, nhờ các đại diện tiêu biểu như POW (+8,2%), GAS (+2,6%)...

Theo Chứng khoán MB (MBS), dù thị trường tăng điểm phiên cuối tuần nhưng vẫn không như kỳ vọng của nhà đầu tư, ngoài mức tăng rất hạn chế thì độ rộng thị trường cũng ghi nhận đây chỉ là một phiên “xanh vỏ đỏ lòng”. Nhóm cổ phiếu bluechips đóng vai trò là lực kéo của thị trường dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khối ngoại, trái ngược với tâm lý thận trọng và giảm giao dịch từ nhà đầu tư trong nước.

“Thị trường trong nước đang cho thấy vấn đề nội tại lấn át tác động từ bên ngoài, nhóm tín hiệu bất động sản vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Thị trường thế giới tăng “tưng bừng” nhưng chốt phiên thị trường trong nước vẫn có gần 140 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn là điều đáng suy nghĩ. Nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, có thể đứng ngoài thị trường quan sát”, MBS nhận định sau phiên thứ Sáu.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế bắt đáy vì các tín hiệu tạo đáy ngắn hạn chưa đủ tin cậy.

Theo VCBS, sự phục hồi kỹ thuật tại phiên giao dịch cuối tuần đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo trong lòng nhà đầu tư, nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp. Ở góc nhìn kỹ thuật, tại đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI tiếp tục ở ngưỡng quá bán, chưa có tín hiệu phục hồi và hoàn toàn có khả năng thủng ngưỡng 22.

Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần qua thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900 tương ứng với ngưỡng 1.0 của thang đo Fibonacci mở rộng. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp phục hồi kỹ thuật của thị trường để hạ tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt để giảm thiểu rủi ro, ưu tiên quan sát thêm diễn biến giao dịch trong những phiên tới.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: MBS

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: MBS

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với việc giảm trong tuần qua, VN-Index đã chạm đến mục tiêu của kênh giá đi xuống trước đó là quanh 950 điểm. Có thời điểm, chỉ số thậm chí còn xuyên thủng ngưỡng này nhưng kết tuần vẫn nằm trên. Điều này cho thấy mục tiêu của kênh giá bị phá vỡ trước đó đã được hoàn thành.

Do đó, xu hướng của thị trường trong tuần tiếp theo có thể trở nên rõ ràng hơn và ngưỡng 950 điểm vẫn là một điểm xoay chiều quan trọng của chỉ số này. Trong kịch bản tích cực, ngưỡng 950 điểm được trụ vững thì VN-Index có khả năng sẽ hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán vẫn mạnh khiến cho ngưỡng 950 điểm bị xuyên thủng thì không loại trừ khả năng chỉ số sẽ cần tìm vùng cân bằng ở những ngưỡng thấp hơn.

SHS cho biết, thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 vào tháng 03/2020. Cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng thấp, chờ thị trường chung ổn định trở lại. Có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư; ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỷ trọng tiền mặt cao.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, dù tăng điểm phiên cuối tuần nhưng chỉ số VN-Index và VN30 vẫn duy trì tín hiệu ngắn hạn tiêu cực do chưa vượt qua được kháng cự MA5 ngày. Trong khi đó, các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap và HNXIndex lập mức thấp mới để củng cố xu hướng giảm giá.

VCBS dự báo trong phiên giao dịch tới, trong khi nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ tiếp tục đà giảm do vẫn đang có quán tính cộng thêm hiệu ứng giải chấp, thị trường sẽ để ý hơn đến biến động của VN30 nơi có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến tốt hơn phần còn lại.

Nếu lực mua tại nhóm này đủ mạnh giúp VN30 đóng cửa trên kháng cự MA5 tại 960 điểm với thanh khoản cải thiện, chỉ số này sẽ duy trì nhịp hồi phục hướng lên vùng 990-1000 điểm, nơi có kháng cự MA10 ngày. Ngược lại, nếu lực bán chiếm ưu thế trở lại, VN30 có thể sẽ giảm điểm từ kháng cự MA5 để kiểm định hỗ trợ thấp hơn quanh mốc 910 điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.