Chứng khoán Việt Nam có thể hút thêm 10 tỷ USD nếu thị trường được nâng hạng

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
23:45 - 05/06/2022
Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital.
Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital.
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm tới chứng khoán Việt Nam. Nếu thị trường được nâng hạng, dòng vốn lớn sẽ đổ vào.

Trong phiên thảo luận “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5/6, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã có những ý kiến đóng góp nhằm mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán trở thành một trong những kênh huy động vốn chủ lực của nền kinh tế.

Nhận định về sự biến động của thị trường thời gian qua, ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital cho rằng đó chỉ là diễn biến ngắn hạn, nhà đầu tư cần bình tĩnh, đặc biệt là niềm tin – yếu tố rất quan trọng cho thị trường chứng khoán. Vừa qua, có nhiều lùm xùm làm mất niềm tin nhà đầu tư đơn lẻ, nhưng ông Don Lam cho rằng về lâu dài sẽ ổn định, đặc biệt là khi nhà đầu tư đơn lẻ chuyển qua các quỹ đầu tư lớn chuyên nghiệp.

Vừa trở về từ chuyến công tác nước ngoài, ông Don Lam cho biết các nhà đầu tư nước ngoài (từ Mỹ, EU, Hàn Quốc…) đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Một trong những lý do lớn nhất là định giá P/E năm 2022 là 13 lần, cho năm 2023 là 10 lần - mức rất hấp dẫn so với trong quá khứ cũng như so với các thị trường Đông Nam Á. Tại VinaCapital hiện có 20.000 nhà đầu tư trong và ngoài nước và con số này tăng lên hằng ngày.

Theo ông Don Lam, nếu muốn kêu gọi đầu tư hơn nữa thì quan trọng nhất là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi". Trong đó, điều kiện quan trọng nhất là thanh khoản. Khoảng trước năm 2019, thanh khoản chỉ mấy trăm triệu USD, tới năm 2021 là cả tỷ USD/ngày. “Nếu thanh khoản có thể lên 2-3 tỷ USD/ngày nữa thì nhà đầu tư nước ngoài lớn sẽ vào. Theo đó, cần cải thiện thanh khoản hơn, trong đó cần nhiều sản phẩm hơn, thêm các doanh nghiệp niêm yết trên sàn hơn (như cổ phần hoá, IPO...)”, ông Don Lam chia sẻ.

Nếu thăng hạng được thì chúng tôi có thể mang được thêm 10 tỷ USD vốn mới vào thị trường. Chúng ta cần thêm 'hàng', tức cổ phần hóa thêm để có sản phẩm cho nhà đầu tư mua. Cần có khuôn khổ pháp lý cho quỹ hưu trí độc lập; khuyến khích nhà đầu tư lẻ vào các quỹ chuyên môn. Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam

Bên cạnh đó là các vấn đề về khả năng thanh toán dễ dàng, quản trị và quản lý; thông tin minh bạch và tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Theo Tổng giám đốc VinaCapital, giới hạn sở hữu nước ngoài đang kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, thu hẹp số lượng cổ phiếu mà người nước ngoài có thể đầu tư vào, khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài phải trả các khoản phí đắt đỏ nếu muốn đầu tư thêm.

Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, thường đại diện cho ngành lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường (thanh khoản cao sẽ giúp vốn hoá tăng lên rất nhiều), bị giới hạn ở mức 30% vốn nước ngoài sở hữu. Khi tính thanh khoản thấp, các ngân hàng sẽ bị định giá thấp hơn so với tiềm năng và lợi nhuận.

Điều phối phiên thảo thuận, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, cơ quan quản lý đang xem xét vấn đề nới room với một số ngân hàng thương mại, và theo cam kết của EVFTA thì Việt Nam sẽ xem xét cho 2 tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam.

Đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới

Trước đó, trong Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup cho biết, nâng hạng thị trường là tiến trình tất yếu trong sự phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán về dài hạn. Hiện, quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD. Như vậy, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường.

Ông Thuân cho rằng, việc nâng hạng giống như việc chúng ta đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới để nhà đầu tư có thể một cách thoải mái phân bổ tiền vào. Dù có một số điểm cần phải cải thiện, nhưng về cơ bản do ý chí của chúng ta nhiều hơn và với sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm thực hiện được mục tiêu nâng hạng thị trường.

Thực tế "room" cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không nhiều, điều này khác với Malaysia, Indonesia hay Philippines có cơ chế thoáng hơn. Ví dụ, một mã chứng khoán của một doanh nghiệp rất lớn trên thị trường, nhưng phần trăm cổ phiếu giao dịch được tự do rất thấp vì nhà nước sở hữu 75% hay 90% rồi đối tác chiến lược sở hữu 15%... Chính vì thế, kể cả nâng hạng nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể đẩy mấy trăm triệu đô, tỷ đô hoặc một số tiền lớn vào những cổ phiếu như thế. Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân

Về thời điểm nâng hạng thị trường, Chủ tịch FiinGroup đánh giá vấn đề kỹ thuật không phải trở ngại lớn mà phụ thuộc vào việc triển khai của các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Thuân cũng nhận định không phải tất cả đều có lợi khi Việt Nam được nâng hạ lên thị trường mới nổi, bởi việc nâng hạng nếu đạt được sẽ phải đi cùng với việc tự do hối đoái, tỷ giá sẽ thả nổi theo diễn biến thị trường quốc tế… Đây là những điểm Việt Nam phải cân nhắc rất nhiều, bởi dòng vốn mà nhanh vào thì cũng có nguy cơ gây xáo trộn cho thị trường tiền tệ, thị trường tỷ giá.

Việt Nam còn thiếu tiêu chí gì để nâng hạng thị trường chứng khoán?

Trên thế giới, việc nâng hạng thị trường chứng khoán đang được một số tổ chức xếp hạng thực hiện thông qua các bộ chỉ số để hỗ trợ nhà đầu tư quốc tế trong việc đánh giá cơ hội đầu tư vào các thị trường trên toàn cầu. Với thị trường Việt Nam, 2 tổ chức đang được nhắm mục tiêu được nâng hạng là MSCI và FTSE Russell.

Theo thông báo của tổ chức FTSE Russell vào tháng 4/2022, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách tiềm năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (EM). FTSE Russell nhận thấy UBCKNN đã có nhiều cuộc đối thoại với các thành viên thị trường và có các sáng kiến để cải thiện khung pháp lý, cũng như thực tiễn thanh toán. Theo FTSE Russell, những yếu tố về thanh toán bù trừ và việc buộc có đủ tiền trong tài khoản để giao dịch hoàn tất vẫn là một điểm cơ quan quản lý của Việt Nam phải cải thiện.

Trong kết quả rà soát 2021 của MSCI cũng đã nêu rõ những lo ngại của họ ở thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm tồn tại về giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành, thiếu văn bản song ngữ làm hạn chế quyền lợi tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, thiếu tự do hóa thị trường ngoại hối, điều kiện về đăng ký mở tài khoản và thanh toán bù trừ...

Theo HSBC, các điều kiện để nâng hạng thị trường sẽ được xem xét khi Việt Nam thông qua các luật mới về chứng khoán, đầu tư và doanh nghiệp, dù tiến độ còn từ từ. Năm 2019, Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật Chứng khoán 2019 nhằm tái cơ cấu thị trường. Bộ luật này có hiệu lực từ năm 2021, có một số điểm mới trong đó bao gồm một hệ thống thanh toán - bù trừ giao dịch dưới mô hình Đối tác Bù trừ Trung tâm (Central Counter Party – CCP) và Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR). NVDR cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm tình hình của những mã cổ phiếu đã hết room sở hữu nước ngoài mà không cần tham gia vào việc ra các quyết định của doanh nghiệp.

Hệ thống giao dịch mới KRX (hệ thống công nghệ mới do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cung cấp) được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Hệ thống mới sẽ cải thiện giao dịch, tiếp cận thông tin và triển khai một loạt các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày và NVDR cũng như hỗ trợ giao dịch và thanh toán hiệu quả. Điểm mấu chốt là nhà đầu tư sẽ không cần phải ký quỹ trước giao dịch khi mua chứng khoán.

Theo HSBC, tất cả thay đổi trên có thể giải quyết phần lớn những mối bận tâm của các nhà đánh giá chỉ số, kết quả là tháng 9/2018, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM. Dù chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét tuy nhiên nếu thực hiện các cải cách được yêu cầu thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới).

Hiện nay, trên thế giới có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI (Morgan Stanley Capital International), S&P Down Jones (Standard & Poor’s), FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange). Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm và phân loại các TTCK theo 3 cấp độ là:

- Thị trường phát triển (Developed Market)

- Thị trường mới nổi (Emerging Market)

- Thị trường cận biên (Frontier Market)

Mỗi tổ chức đều có những tiêu chí riêng để đánh giá và phân loại, tuy nhiên có một số tiêu chí chung trong tiêu chuẩn phân loại TTCK như quy mô thị trường, tính thanh khoản, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ, phương thức thanh toán sau giao dịch, giao dịch bán khống và cho vay chứng khoán.

Tin liên quan

Đọc tiếp