Chuyên gia: Cần xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp

tiền tệ DOANH NGHIỆP
16:35 - 21/11/2022
Chuyên gia: Cần xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia dự báo, những tháng cuối năm khi áp lực tỷ giá đã bớt căng thẳng, việc xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp là cần thiết.

Tại Đối thoại "Điều hành tỷ giá USD-VND: Ổn định kinh tế vĩ mô" ngày 21/11, đại diện các doanh nghiệp khẳng định lãi suất và tỷ giá đều là gánh nặng đối với họ hiện nay. Ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, năm 2022 rất khó khăn, khi tỷ giá khiến các doanh nghiệp thành viên của công ty tăng chi phí từ vài chục tỷ đồng lên tới 70-80 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc tăng lãi suất thực sự đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những lý do khiến kết quả kinh doanh quý III/2022 của đa phần doanh nghiệp thép đều khó khăn.

Các doanh nghiệp sản xuất thép niêm yết đã ghi nhận khoản lỗ khoảng 4.500 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí hàng tồn kho cao, giá than cốc lên cao và lỗ tỷ giá do đồng VND mất giá so với USD làm tăng chi phí đầu vào nhưng giá bán lại thấp.

Tập đoàn Hoà Phát (HPG ghi nhận lỗ lịch sử 1.786 tỷ đồng trong quý III, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Trong đó, kết quả kinh doanh ảm đạm này là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Sau Hòa Phát, "á quân" lỗ lớn quý III trong ngành là Hoa Sen Group với mức lỗ ròng 887 tỷ đồng và cũng là lần đầu tiên báo lỗ. Doanh thu thuần của công ty đồng thời giảm, đạt 7.939 tỷ đồng, giảm đến một nửa so với mức hơn 15.700 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp phân bón cũng không lạc quan hơn, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, mặc dù phân bón thu về nguồn ngoại tệ lớn, song trước áp lực tỷ giá, các doanh nghiệp phân bón vẫn gặp phải nhiều vấn đề.

Tỷ giá tăng khiến nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trở nên nhiều hơn. Trong khi đó, lãi suất cho vay quá cao khi lợi nhuận có xu hướng giảm đi khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Đại diện Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng chia sẻ thêm, thậm chí có những doanh nghiệp phải đi vay nóng. Mà vay nóng để xử lý những vấn đề tiền lương rồi những vấn đề sản xuất thì quả thật là không thể chấp nhận được.

Chuyên gia: Cần xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh 1

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất. Mục tiêu kiềm chế lạm phát đã thành công, nhưng tiếp tục với cơ chế lãi suất này sẽ rất khó cho các doanh nghiệp. Muốn phục hồi kinh tế là phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam

Áp lực tỷ giá bớt căng thẳng, xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp

Trước đó, ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước lần thứ 2 trong tháng điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 24.860 VND xuống 24.850 VND, tương đương mức giảm 10 VND. Trước đó, ngày 10/11, lần đầu tiên trong năm nay, cơ quan này cũng chính thức điều chỉnh giảm 10 VND của giá bán USD.

Mặc dù mức giảm mỗi lần khá nhỏ, tuy nhiên đây là vẫn là một dấu hiệu tích cực cho thị trường để thấy rằng áp lực của tỷ giá USD/VND đang giảm dần.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng tỷ giá USD/VNĐ từ nay tới cuối năm dự kiến không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua khi NHNN đã có điều hành kịp thời, chính xác.

Chuyên gia: Cần xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh 2

Khi những áp lực về ngoại tệ, mức lạm phát được kiểm soát, NHNN nên xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây thực sự là bài toán giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, tỷ giá USD/VNĐ đang hạ nhiệt trong bối cảnh chỉ số đồng USD có dấu hiệu tạo đỉnh và đang giảm sẽ là cơ hội để lãi suất không tăng thêm.

Mặt khác, với tình hình lạm phát Mỹ hiện nay, Fed sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Theo đó, trong phiên họp chính sách tới đây, có thể mức độ tăng lãi suất sẽ giảm từ 0,75 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm, dần dần giảm xuống 0,25%. Sức ép tăng lãi suất của Fed giảm cộng với FDI giải ngân tăng tốt và cán cân thanh toán thặng dư là cơ hội để Việt Nam giữ được tỷ giá hối đoái ở mức 10% trong năm nay, thậm chí đến giữa năm 2023.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, áp lực tỷ giá có thể nguôi ngoai, nhưng lãi suất là vấn đề cần được lưu ý.

"Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản và lãi suất", TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Ông Nghĩa giải thích thêm, hiện nay, 95% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ngay kể cả những doanh nghiệp cẩn trọng trong kinh doanh, tài chính đều rất khó tiếp cận vốn.

Theo tính toán của các chuyên gia, tính cả lượng tiền mà NHNN hút về qua kênh bán ngoại tệ và lượng vốn đầu tư công khoảng 900.000 tỷ đồng Bộ Tài chính hút về đang nằm trong các ngân hàng thì nền kinh tế đã bị rút về 1,5 triệu tỷ đồng. Theo đó, để tăng thanh khoản cho thị trường, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị NHNN tính toán bơm tiền ra cho nền kinh tế.

Đồng thời, cần giải phóng số vốn đầu tư công chưa thể giải ngân. Theo đó, có thể tạm ứng cho các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư công để có cơ sở triển khai dự án. Ngoài ra, có thể trích một phần trong nguồn vốn đầu tư công để thành lập khẩn trương quỹ bão lãnh trái phiếu doanh nghiệp hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu.

Đọc tiếp