Chuyên gia chỉ ra thất bại của nhiều doanh nghiệp online do mải chạy theo 'trend'

Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Hà Anh.
Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Hà Anh.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là chia sẻ của ông Đỗ Hữu Hưng, Chủ nhiệm Chi hội tiếp thị và công nghệ số (DTM) tại diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023, do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 18/4.

Tại sự kiện, ông Đỗ Hữu Hưng nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần quan trọng không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo thống kê từ Kepios, năm 2022 ghi nhận 72 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam. Trong đó 52 triệu người đang sử dụng thương mại điện tử, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Đáng chú ý, chi tiêu hàng năm cho thương mại điện tử tăng 35,4% lên 12,4 tỷ USD.

Ảnh tác giả

Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Năm 2022, thương mại điện tử đã mang về cho Việt Nam hơn 14 tỷ USD trong tổng giá trị 23 tỷ USD của nền kinh tế số. Đến năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt ngưỡng 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỷ USD, chiếm tới 65%.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Chủ nhiệm Chi hội tiếp thị và công nghệ số.

Mặc dù thương mại điện tử Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh nhưng ông Đỗ Hữu Hưng cho rằng, hiện tại lĩnh vực này mới chỉ ở giai đoạn đầu và chiếm quy mô nhỏ với 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong khi đó, tại Trung Quốc, bán lẻ hàng hoá trực tuyến trong năm 2022 chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hoá của nước này.

Lý giải điều này, ông Đỗ Hữu Hưng cho biết, một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử chưa thành công là do chạy theo xu hướng (trend). Đây là cách tiếp cận không bền vững vì nó không tạo ra "ma trận điểm chạm".

Khi doanh nghiệp tạo ra ma trận điểm chạm trong thương mại điện tử, họ có thể tạo ra một trải nghiệm mua hàng tốt hơn cho khách hàng. Ma trận điểm chạm cho phép khách hàng tương tác với doanh nghiệp trên nhiều nền tảng khác nhau bao gồm sàn thương mại điện tử, trang web và mạng xã hội. Điều này giúp tăng tính tiện lợi và tốc độ mua sắm của người tiêu dùng đồng thời tăng khả năng khách hàng trở lại mua hàng với doanh nghiệp.

Đại diện của DTM đưa ra một thực trạng phổ biến, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến khi thấy Facebook bùng nổ thì bỏ website, có Shopee thì bỏ Facebook hay có TikTok Shop thì bỏ Shopee. Do đó không thể tạo ra "ma trận điểm chạm".

"Bởi kinh doanh thương mại điện tử khác truyền thống ở chỗ người tiêu dùng quyết định rất nhanh. Vì vậy doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế của công nghệ để xây dựng được nền tảng thương mại điện tử đa kênh", ông Hưng nói thêm.

Thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng tên miền quốc gia

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hải Bình, Chủ tịch AXYS Group cho biết, để đa dạng hóa kênh buôn bán cũng như tăng khả năng tiếp cận khách hàng, các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn mô hình bán hàng đa kênh như bán hàng trực tiếp, bán hàng thông qua website, mạng xã hội...

Trong đó, website được xem là cái gốc của doanh nghiệp khi bắt đầu tham gia thương mại điện tử. Ngay cả khi doanh nghiệp sử dụng nhiều kênh bán hàng trực tuyến thì website vẫn là nơi khách hàng tìm đến để tìm kiếm thông tin và xác định độ tin cậy của doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Thái Hữu Lý, Trưởng phòng phát triển tên miền của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) nhận định, tên miền quốc gia và thương mại điện tử có mối quan hệ mật thiết với nhau.

"Sự phát triển của tên miền song hành cùng với sự tăng trưởng của thương mại điện tử bởi tên miền '.vn' là một trong các chỉ số đầu vào tính toán của chỉ số thương mại điện tử và chỉ số chuyển đổi số của các địa phương", đại diện VNNIC cho biết.

Theo ông Lý, tài nguyên tên miền quốc gia ".vn" ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công cần xây dựng website nhằm hiện diện trên môi trường trực tuyến, tạo niềm tin cho khách hàng, cũng như xây dựng hệ sinh thái kinh doanh với các đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, logistics, tiếp thị số...

Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp có website vẫn chưa ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể qua các năm. Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023, trong năm 2022, chỉ có 44% doanh nghiệp sở hữu website, gần như giữ nguyên so với tỷ lệ của 4 năm trước đó.

Tỷ lệ doanh nghiệp có website qua các năm. Ảnh: Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023.

Tỷ lệ doanh nghiệp có website qua các năm. Ảnh: Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023.

Do đó, ông Thái Hữu Lý cho rằng, việc thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng tên miền quốc gia được xem là một giải pháp thiết thực để thu hẹp khoảng cách số nói chung và thương mại điện tử nói riêng trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp